Dạy Bơi

16:02PM 13/07/2010, Khác

Dĩ nhiên là tôi biết bơi vì tôi có 12 năm sống với biển. Tôi bơi không giỏi mà cũng không nhanh, tôi chỉ bơi như người ta đi bộ, vậy thôi.

Hồi 16 tuổi, có lần tôi bơi từ bờ biển Nha Trang ra đảo Hòn Tre, một chuyện mà tự tôi, tôi cũng không dám lập lại lần nữa.

Hồi nhỏ, vợ tôi bị chết hụt vì lật vỏ lãi ở ngã bảy Phụng Hiệp nên tự nhiên nàng sợ nước, dĩ nhiên nàng không biết bơi.

Tôi tập bơi cho nàng mất 30 phút. Sau đó nàng bơi như vận động viên quốc gia: khởi động, xuống hồ, bơi vòng quanh hồ 20 vòng không nghỉ rồi lên bờ về.

Tôi nghĩ mình có năng khiếu dạy bơi, nên tôi chia xẻ ở đây để bạn nào chưa biết bơi hoặc đang bơi yếu thì đọc tham khảo. Biết đâu, trong đời có lúc phải bơi, nhiều khi là để sinh tồn.

Theo tôi, sai lầm của tất cả những giáo trình và phương pháp dạy bơi là cố tập cho người ta cái gọi là: “nỗ lực làm nổi”. Tôi nghĩ đây chính là điều đã làm cho quá trình học bơi của bạn dài ra và có thể sẽ không bao giờ kết thúc.

Chính “nỗ lực làm nổi” đã tạo cho ta tâm lý “sợ chìm”, càng sợ bị chìm, ta càng dễ bị chìm hơn và ta sẽ dễ phát hoảng khi bị “chìm”.

“Nỗ lực làm nổi” ban đầu được hỗ trợ bằng hai cái phao nhỏ đeo ở nách và một miếng xốp cột ở bụng (nếu bạn là một cô gái, thì anh thầy dạy bơi sẽ đỡ bụng bạn thay cho miếng xốp). Dần dần, khi đã quen, “nỗ lực làm nổi” sẽ được thay bằng các động tác liên hoàn để giữ cho cơ thể bạn luôn nổi trên mặt nước.

Đó gọi là bơi theo giáo trình.

Phương pháp dạy bơi của tôi thì ngược lại.

Tôi muốn bạn bắt đầu bằng sự “chìm”.

Hãy thả lỏng cơ thể, hít một hơi vừa phải, nhắm mắt và buông người nằm sấp để cho cơ thể chìm tự nhiên trong làn nước ở một đổ sâu vừa phải để bạn có thể đứng lên khi bắt đầu hết hơi.

Lần thứ hai, hãy hít một hơi dài hơn, và lập lại như lần thứ nhất, nhưng bây giờ bạn hãy mở mắt ra, và thở ra nhè nhẹ để tự mình nhìn thấy những bọt khí bay lên trong nước.

Lần thứ ba, cũng như vậy, nhưng hãy bắt đầu nhìn ra chung quanh bạn, hãy cảm nhận cơ thể bạn trong nước, hãy đưa tay ra và nhìn ngắm bàn tay mình, thử động đậy chân.

Khi lặp lại vài lần, bạn sẽ nhận ra rằng mình “chưa hề chìm”, cho dù mình có buông xuôi tay chân và nằm sấp trong nước, mình vẫn nổi.

Nước sẽ đưa ta nổi lên, vô điều kiện.

Vậy “nỗ lực làm nổi” là hoàn toàn không cần thiết. Khi đã làm quen với nước, bạn sẽ cảm nhận nó, như là không khí.

Bạn ở trong nước, bạn nổi, điều đó tự nhiên như khi ta đứng trên mặt đất.

Việc còn lại của bạn là học cách hít thở và di chuyển bằng những động tác đơn giản, có thể học từ một con ếch.

Cách dạy bơi của tôi rất hiệu quả, vì những người được tôi dạy chỉ mất 30 phút để bơi và bơi rất tự nhiên, như đã nói ở trên, như người ta đi bộ.

Cho tôi lạc đề chút xíu.

Trong cuộc sống nói chung, con người đều được giáo dục để ít nhiều vẫn tập tính “nỗ lực làm nổi”. Nhưng bằng những thành công và đẳng cấp cụ thể (mà đôi khi cũng rất hư ảo), người ta không hề nhận ra “nỗ lực làm nổi” ấy là một sự lãng phí thời gian quí báu của đời mình.

Cuộc sống cũng có qui luật như trong tự nhiên, mà chữ “tự nhiên” bản thân nó cũng nói lên được bản chất của cuộc sống rồi.

Đôi khi, cứ sống tự nhiên thôi. Sống như cái cây ngọn cỏ, như con thú trong rừng. Bớt “nỗ lực làm nổi”, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn chăng?

Đừng sợ “chìm”, không “chìm” được đâu. Tin tôi đi.

@Mọi người. Đây là cách tập bơi mang tính tâm lý, khi không cảm thấy bị "chìm", khi cảm thấy mình tự nhiên nổi. Mọi việc còn lại như hít thở, khua tay, đạp chân sẽ tự nhiên và dễ dàng.

Theo blog người lữ hành kì dị