Khi Tiết Kiệm "Đối Đầu" Keo Kiệt

08:01AM 04/05/2012, Khác

“Tiết kiệm” và “keo kiệt” — hai khái niệm tuy có hình thức giống nhau nhưng lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Hai trong mười dấu hiệu mà đồng tiền tiết lộ về con người bạn: Khi bạn là con người tiết kiệm, với bạn thì tiền là sự tự do. Khi bạn là người keo kiệt, với bạn tiền là tội lỗi.

Tiền là một “đơn vị đo lường” của những giá trị vật chất. Nhưng tiền cũng có thể được xem là một thước đo để đánh giá tính cách của một người thông qua cách ta sử dụng đồng tiền. Và nếu thước đo được chia làm nhiều vạch với ba phần chính là “Hoang phí – Vừa đủ - Tiết kiệm” thì tiết kiệm và keo kiệt là hai vạch nằm liền kề nhau.

“Tiết kiệm” và “keo kiệt” – hai khái niệm tuy có hình thức giống nhau nhưng lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nếu :

Số tiền kiếm được = số tiền chi trả cho những mục đích cần thiết + số tiền dư ra và dùng nó để tiết kiệm.

Người “tiết kiệm” và người “keo kiệt” sẽ có sự chênh lệch về số tiền chi trả và số tiền dư ra. Với người tiết kiệm, số tiền chi trả sẽ được dùng cho những nhu cầu cơ bản như tiền ăn, uống, xe cộ, học phí, … và sau đó nó sẽ được dành cho những việc làm khác mà ta xác định đó là việc cần thiết như học một khóa học Anh văn hay mua bộ quần áo mới cho cuộc phỏng vấn sắp tới... Và cuối cùng, số tiền dư ra sẽ chính là phần mà ta đưa vào “tài khoản tiết kiệm”. Cách sử dụng tiền này sẽ được thay đổi nếu người dùng tiền là người thuộc vạch “keo kiệt”. Số tiền chi trả sẽ được cắt giảm một cách triệt để ở những nhu cầu cơ bản và những việc mà đối với họ tuy khá cần thiết nhưng có thể không làm sẽ được giảm ngay. Chính nhờ điều này, số tiền dư ra của người keo kiệt sẽ tăng nhiều lần và điều đó cũng khiến người keo kiệt hạnh phúc vì số tiền trong tài khoản tăng lên hằng ngày và tự hào rằng mình có cách sử dụng tiền thật hiệu quả. Cuộc đua về khả năng tiết kiệm tiền nhiều hơn và nhanh hơn, người keo kiệt bước đầu đã chiếm được phần hơn.

Nhưng ở cuộc đua về sau, người keo kiệt có nguy cơ bị bỏ lại phía sau bởi cách dùng tiền khoa học của người tiết kiệm. Những nhu cầu cơ bản thì hiển nhiên ai cũng phải có, nhưng cách sử dụng lại không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn trong việc ăn uống, nếu người tiết kiệm sử dụng tiền để mua thức ăn hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, đôi khi phải trả một giá mắc hơn để mua thực phẩm chất lượng thì người keo kiệt đôi khi bỏ qua yếu tố cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mà mua những thức ăn rẻ hơn, ít hơn và cũng chính điều đó sẽ dẫn đến nhưng tai hại khôn lường.

Ăn “keo kiệt” trong một thời gian dài khiến bạn thiếu trầm trọng chất dinh dưỡng hoặc ăn những thực phẩm không rõ nguồn gốc để mua được với giá “hời” hơn đều dẫn đến việc cơ thể trở nên yếu ớt và bệnh tật “ghé thăm”, kết quả cuối cùng là ta phải trả rất nhiều tiền cho việc khám bệnh và mua thuốc để hồi phục sức khỏe.

Hay như trong việc học tập, việc người tiết kiệm dùng tiền để đầu tư cho những khóa học anh văn để nâng cao khả năng giao tiếp về ban đầu sẽ khiến ta cảm thấy có một chút hoang phí vì học phí ở những trung tâm Anh ngữ không hề rẻ và người keo kiệt sẽ không bao giờ làm điều này. Nhưng hãy nhìn ở chặng sau, khi người tiết kiệm có được khả năng giao tiếp tốt, cơ hội việc làm của họ sẽ cao hơn rất nhiều khi các công ty tuyển dụng luôn chào đón những người có khả năng sử dụng ngoại ngữ và người keo kiệt chắc chắn sẽ bị bỏ lại trong cuộc chiến giành cơ hội việc làm cho bản thân. Như vậy, kết quả cuối cùng, người tiết kiệm mới thật sự là người chiến thắng.

Hai trong mười dấu hiệu mà đồng tiền tiết lộ về con người bạn: Khi bạn là con người tiết kiệm, với bạn thì tiền là sự tự do. Khi bạn là người keo kiệt, với bạn tiền là tội lỗi. Tiền có lẽ là thứ vật chất rất quan trọng có khả năng chi phối cuộc sống của chúng ta, nhưng chính chúng ta sẽ là người “xoay chuyển” sức mạnh của đồng tiền.

Tiết kiệm và keo kiệt là hai cách nhìn nhận về đồng tiền rất khác nhau. Nếu ta biết sử dụng đồng tiền một cách hợp lý, khoa học và thi thoảng có thể tự thưởng cho mình một món quà nhỏ vì cách tiêu dùng cũng như tiết kiệm chính đáng của mình, ta đã trở thành một người tiết kiệm thông minh. Dù sao, tiết kiệm cũng chính là việc chúng ta sử dụng đồng tiền một cách khoa học nhưng cũng không quá hà khắc, khiến ta cảm thấy thoải mái khi vẫn sử dụng tiền của bản thân cho những điều chính đáng ở một giới hạn cho phép. Nhưng nếu ta cứ việc “bỏ đói” bản thân khỏi những nhu cầu chính đáng, chỉ chăm lo sao cho quỹ tiết kiệm ngày một “dày lên”, và luôn tự nhủ “Mình đang tiết kiệm.” thì thật là một quan điểm sai lầm của những con người keo kiệt, hà tiện luôn tự cho mình là con người tiết kiệm và dần dần trở thành nô lệ của đồng tiền.

Trái ngược với những hành vi phung phí tiền bạc đến mức đáng sợ mà báo chí đã đưa tin trong các dịp gần đây như tổ chức đám cưới hàng tỉ đồng …, tiết kiệm là cách sử dụng đồng tiền đáng hoan nghênh khi đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế, lạm phát, thiên tai … Nhưng bản thân chúng ta cũng cần phải có một cách nhìn đúng đắn về việc sử dụng đồng tiền để tránh sai lầm trong việc sử dụng chúng. Chỉ có như thế, tiền mới đích thực là công cụ trợ giúp đắc lực cho con người.

Ngô Phương Thảo (Q. Gò Vấp)


Theo MTO