Mất Ngủ Vì ... Nhắn Tin Quá Nhiều

08:16AM 20/04/2011, Khác

Theo thống kê, teen gửi và nhận trung bình 3.276 tin nhắn mỗi tháng.

Cô bé Ashley Olafsson lớp 10 ở Brookline ngủ với chiếc điện thoại di động dưới gối để không bị nhỡ những tin nhắn “khẩn cấp” - “có đứa bạn nào chia tay bạn trai chẳng hạn.” Còn Stephanie Kimball, 14 tuổi, ở Waltham cũng sẵn sàng trả lời những cuộc gọi khẩn cấp trong đêm, như “À, thử coi cậu còn thức không ấy mà.” Stephanie Kimball lớp 9 ở Dedham nhận cỡ 100 tin nhắn khi đi ngủ. “Em thấy em không là chính mình khi không có điện thoại bên cạnh hoặc không sử dụng điện thoại,” cô bé nói.

Dĩ nhiên tất cả những cuộc liên lạc giữa đêm đều khiến các em mệt mỏi, nhưng Olafsson giải thích, “Thật bất lịch sự nếu không trả lời khi ai đó cậy đến mình lúc gặp khó khăn.”

Teen gửi và nhận trung bình 3.276 tin nhắn mỗi tháng trong ba tháng cuối năm 2010, theo như thống kê mới nhất từ công ty Nielsen, nên chẳng ngạc nhiên khi Michael Rich, giám đốc Trung tâm Truyền thông và Sức khỏe Trẻ em thuộc Viện nhi Boston, bắt đầu nhận thấy các bệnh nhân nhỏ tuổi nhập viện vì kiệt sức bởi phải luôn “sẵn sàng” hoặc nửa tỉnh nửa ngủ suốt đêm để chờ điện thoại rung hay đổ chuông báo tin nhắn.

Thoạt đầu ông và cha mẹ bệnh nhân gặp khó khăn vì sự buồn ngủ gia tăng của bọn trẻ bởi giờ ngủ không thay đổi, ông cho biết. “Sao mà hỏi một đứa bé, 'Con có để điện thoại dưới gối khi ngủ không?’ được. Với chúng tôi, hỏi vậy khác nào tra tấn.”

Ông cho biết, các cô cậu tuổi teen nhắn tin muộn vào ban đêm cũng không ngủ thiếp đi được, và các em không thể ngủ sâu đến cấp độ 4 của giấc ngủ, “điều này có hại tới việc chuyển hóa những trải nghiệm và bài học trong ngày từ trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn - nói cách khác, hoàn tất quá trình học hỏi.”

Rich giải thích, việc chờ đợi tin nhắn, dẫn đến một giấc ngủ tồi tệ ban đêm giống như phải bay chuyến bay sáng sớm hay làm những công việc lúc tờ mờ sáng. “Người ta phải tập trung để thức đến mức thành ra chẳng ngủ được.”

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2010 báo cáo rằng cứ năm bạn tuổi teen có điện thoại di động thì hơn bốn em ngủ với điện thoại để trên giường hoặc gần giường, đôi khi ngủ gục với chiếc điện thoại trên tay khi đang gọi điện. Các nhà nghiên cứu của Pew không hỏi điện thoại có bật hay không, nhưng Amanda Lenhart, một chuyên viên nghiên cứu cấp cao, nói “nhiều em tỏ vẻ miễn cưỡng khi phải tắt điện thoại.”

Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm về giấc ngủ thuộc Trung tâm Y khoa JFK ở Edison, New Jersey phát hiện trong một cuộc nghiên cứu năm 2010 rằng các cô cậu bé tuổi teen gửi trung bình 33,5 thư điện tử và tin nhắn vào ban đêm và do đó giấc ngủ của các em bị ảnh hưởng. Một nghiên cứu của National Sleep Foundation vừa công bố hồi tháng 4 năm nay cho thấy cứ năm em tuổi từ 13-18 thì có gần một em bị đánh thức bởi một cuộc gọi, tin nhắn hay thư điện tử ít nhất vài đêm một tuần.

Các bạn teen ở Việt Nam có điện thoại di động hãy thử nhẩm tính mức độ “chit chat” tin nhắn ban đêm của mình so với các số liệu nghiên cứu công bố ở trên. Hãy nhớ rằng cố thức sẽ có thể trở thành mất ngủ luôn. Và một giấc ngủ không đủ sâu ảnh hưởng xấu tới quá trình chuyển hóa trí nhớ ngắn hạn thành dài hạn. Vì sao học rồi mà không nhớ bài vở gì cả, cần phải xem lại bạn hay đi ngủ với chiếc điện thoại di động tắt hay mở, có để dưới gối sẵn sàng chờ tín hiệu hay không nhé!


Theo THÁI HIỀN (MTO)