Một Nghìn Đồng

11:52AM 22/10/2011, Góc tâm hồn

Một buổi chiều tôi cùng người bạn trên đường từ trường về nhà, hai đứa vừa đi vừa nói chuyện rất vui vẻ về chuyện ước mơ của mình thì câu chuyện bỗng bị gián đoạn khi chúng tôi nhìn thấy tờ một nghìn đồng đã sỉn vàng gấp tư trên vỉa hè mà ai đó đánh rơi. Mọi người đi qua ai cũng hối hả nên không ai để ý hay nhặt nó lên cả. Tôi nhanh chóng phớt lờ nó và lại tiếp tục câu chuyện của mình trong niềm hứng thú. Thế nhưng bạn tôi bỗng nhiên dừng lại, cúi gập người nhặt đồng tiền đó lên. Cậu ấy giở đồng tiền đó ra một cách cẩn thận, phẩy hết cát bụi và vuốt nhẹ cho nó thẳng ra. Tôi cảm thấy mất hứng thú với câu chuyện của mình vì hành động đó của cậu bạn. Một chút bực mình chợt len lỏi vào trong tôi. Tôi thấy hành động đó thật tầm thường vì gia đình bạn tôi cũng thuộc diện khá giả, thậm chí còn khá hơn cả so với gia đình tôi mà cậu ấy lại tiếc rẻ một nghìn đồng. Tôi dừng hẳn câu chuyện của mình mặc dù bạn tôi vẫn tiếp tục với câu chuyện đang dang dở của cậu ấy.

-Sao cậu lại nhặt đồng tiền đó? - Tôi hỏi nửa ý vì tò mò nửa ý coi thường.

Cậu ấy nhìn tôi rồi chợt mỉm cười:

- Một nghìn đồng thì không phải là tiền sao?

- Nhưng giá trị của nó không đáng kể, chẳng nhẽ gia đình cậu khá giả như thế mà cậu vẫn tiếc một nghìn đồng sao? - Tôi gắt lên, trong đầu tôi chợt thoáng hiện lên ý nghĩ về sự ghen tị vì gia đình cậu ấy có điều kiện tốt hơn gia đình tôi.

Trái hẳn với cách cư xử của tôi, cậu ấy vẫn rất điềm tĩnh:

- Có nhiều tiền không phải vì tự dưng mà có, bố tớ vẫn thường dạy anh em tớ thế. Nó là cả một quá trình lao động và tích lũy. Chính vì thế chúng ta cần phải biết quý trọng chúng. Và điều đó cũng chính là chúng ta đang quý trọng chính sức lao động của bản thân mình. Không nên phung phí…

- Thế nhưng nó đâu có liên quan đến chuyện cậu nhặt đồng tiền này đâu? - Tôi chợt xen ngang làm cậu âý nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu:

- Rồi cậu cứ đợi xem...

Từ lúc đó cả hai chúng tôi không ai nói gì nữa, cứ im lặng mà bước đi và cả hai đều chìm đắm với những suy nghĩ của riêng mỗi người. Nói thật lúc đó tôi cũng không hiểu bạn tôi nói gì nữa, cậu ta định lên lớp daỵ tôi chăng, hay cậu ta đang ngụy biện cho hành động của mình? Thật khó hiểu.

Đi được một đoạn tôi bỗng giật mình vì tiếng quát mắng của một người phu nữ. Trước mặt chúng tôi lúc đó là người phụ nữ với chiếc tủ kính bày bán bánh mì và xôi cho những người khách qua đường. Và trước mặt bà ta là một ông già ăn xin mặc trên người bộ quần áo rách rưới, đi chân đất , một tay cầm chiếc nón đã rách tả tơi còn tay kia thì cầm một ít tiền lẻ chìa ra cho người phụ nữ. Ông ta đang muốn mua xôi. Thế nhưng người bán hàng không chiu bán cho ông vì số tiền ông đưa không đủ vì chỉ thiếu có một nghìn đồng. Bà ta cứ luôn miệng đuổi ông già đó đi để cho bà ta còn bán hàng. Ông già ăn xin đành lầm lũi đi ra ngồi xuống vỉa hè. Gương mặt ông tái nhợt đi có lẽ vì đói. Ông cứ quay lại nhìn gánh hàng xôi đang nghi ngút khói với vẻ thèm thuồng.

- Thật là quá đáng!

Bạn tôi chợt lên tiếng rồi tiến lại gần người ăn xin và đưa cho ông tờ một nghìn đồng mà cậu ấy vừa nhặt được:

- Ông cầm lấy mà mua xôi ăn. Hình như ông đang rất đói.

Ông già ăn xin ngước mắt lên nhìn, nét mặt ông rạng rỡ hẳn lên. Ông đưa hai đôi bàn tay run run ra nhận lấy với vẻ quý trọng và biết ơn vô cùng.

Lúc này tôi mới chợt hiểu ra, trên thế giới này có những thứ tưởng như là vô giá trị với người này nhưng lại là thứ có nghĩa vô cùng với người khác. Một nghìn đồng - đối với tôi và cả bạn tôi đều có giá trị không đáng kể nhưng nó lại có thể mang lại cho ông già ăn xin kia được một bữa no. Mà cũng không hẳn như thế. Một nghìn đồng tưởng chừng như vô giá trị đó nhưng đã mua được cho bạn tôi niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác và cũng đã mang lại cho tôi một bài học vô cùng ý nghĩa. Tôi cảm thấy rất xấu hổ vì đã nghĩ không tốt về bạn tôi, tôi nhận thấy chính bản thân mình mới là người tầm thường, ích kỉ.