"Nháp" Cho Tình Yêu

08:01AM 06/07/2011, Khác

Trước khi chính thức quen nhau, hẳn bạn và người ấy đều có một khoảng thời gian để tìm hiểu trước đó.

Nhưng bạn luôn hoang mang, lo lắng vì sợ rằng mình quyết định sai lầm. Làm cách nào để kiểm tra thử để biết người ấy có phù hợp để trở thành “một nửa” của mình không nhỉ?

Khi quen nhau, bạn và người ấy cần phải có những ràng buộc nhất định. Nếu tình yêu giữa cả hai đủ lớn, thì sự ràng buộc ấy chẳng là vấn đề gì cả. Nhưng nếu hai bạn không thích hợp để quen nhau lâu dài, thì khi đã lỡ nhận lời để trở thành một cặp rồi thì việc từ bỏ cũng gây khó xử cho cả hai, bạn lại mang tiếng là “thiếu cân nhắc”. Vì vậy, hãy…

Cùng chấp nhận một quy ước

Hãy bày tỏ thẳng thắn cho người ấy nỗi lo của bạn. Rằng bạn cũng có mến người ấy, nhưng bạn chưa thể chắc về tình cảm nên không thể nhận lời ngay mà cần có thời gian tìm hiểu, nếu được sẽ tiến tới, còn không, cả hai vẫn là bạn tốt. Tất nhiên khoảng thời gian này cả hai sẽ “xem như là một cặp”, nhưng không quá ràng buộc nhau.

Dĩ nhiên người ấy sẽ chấp nhận điều này vì đã được bạn cho một cơ hội để thể hiện. Nhưng trong quá trình “thực hiện quy ước”, tất nhiên bạn cũng phải tự đặt ra những quy tắc cho mình, không nên tạo cơ hội với những người khác chỉ vì lý do: “Nháp” thôi mà!

Đánh giá mức độ kiên nhẫn và thành thật từ đối phương

Tất nhiên, trong quá trình “thử nghiệm”, bạn phải sống thật với cảm xúc của mình. Nếu bạn không nhớ người ấy, không muốn liên lạc, thì đừng liên lạc. Đừng bao giờ vì cảm động trước tình cảm của người ấy dành cho mình mà tỏ ra quá trân trọng hoặc thương hại. Điều đó sẽ khiến bạn khổ về sau.

Bên cạnh đó, hãy xem xét xem người ấy có thật sự chân thành với bạn không, hay người ta cũng chỉ như bạn, “nháp” cho tình yêu để rồi không thích hợp thì từ bỏ. Trong giai đoạn này, việc nghi ngờ tình cảm của nhau rất thường xuyên xảy ra, nhưng nếu không có lòng tin thì bạn không thể tìm được cho mình một hạnh phúc đích thực. Vì vậy, muốn người khác làm cho mình điều gì, mình hãy làm cho họ trước đã.

Ngoài ra, cũng nên xem thử, người ấy có cho bạn một khoảng không gian riêng tư nhất định, hay suốt ngày bên cạnh bạn, quan tâm bạn, khiến bạn cảm thấy mất tự do? Người ta có cư xử khéo léo và tôn trọng những người bạn khác giới của bạn không, hay chỉ biết ghen tuông vớ vẩn? Người ấy có luôn bên cạnh khi bạn thật sự cần, và thấu hiểu bạn không, hay điều người ấy cần chỉ là việc có được bạn?

Những điều bạn cần làm

* Nói cho người ấy biết những suy nghĩ thật sự trong đầu mình, chẳng hạn như khi người ấy làm bạn không vui, thay vì im lặng, hãy nói: “Hôm nay tớ thật sự buồn vì điều này. Đáng lẽ ra cậu không nên cư xử như thế”, hoặc người ấy có những hành động ngốc nghếch khiến bạn khó chịu, hãy góp ý để người ấy thay đổi chứ không nên giữ chặt suy nghĩ trong đầu.

* Nên cho người ấy biết tính cách thật của bạn, không nên tỏ ra gượng gạo trước mặt người ta vì điều đó cũng không khiến người ta thoải mái.

* Không nên công khai chuyện tình cảm của cả hai vào lúc này, vì bạn và người ta cũng chưa chắc chắn được điều gì cả.

* Đôi lúc cũng nên dành cho nhau những bất ngờ thú vị hoặc để cho đối phương phải suy nghĩ một chút.

* Tạo một sự gần gũi nhất định, dù chỉ là ở bước đầu của một quá trình nhưng nếu giữ khoảng cách thái quá thì sau khi quen nhau cũng rất khó bày tỏ cảm xúc bằng hành động.

Tự đặt câu hỏi cho chính bạn và trả lời

Sau đây là những điều bạn cần phải kiểm chứng trước khi quyết định có nên trở thành một cặp hay không.

* Những lúc vui, bạn có cần người ấy ở bên? Những lúc buồn, bạn có dễ dàng chia sẻ điều đó với người ấy? Nếu bạn chỉ muốn bên cạnh người ấy khi vui, hoặc muốn trút mọi cảm xúc khi buồn, thì rõ ràng, người ấy có lẽ chưa đủ tiêu chuẩn để bên bạn lâu dài.

* Bạn có cảm thấy ràng buộc, khó chịu không? Nếu có, dù chỉ là một chút, tốt nhất không nên tiến tới nữa. Vì khi quen nhau, có thể bạn chỉ muốn được giải thoát mà thôi.

* Đôi khi người ta có những hành động cực kì ngốc nghếch, khiến bạn có thể trề môi, tặc lưỡi hay lắc đầu, nhưng bạn có chấp nhận được điều đó không? Nếu bạn có thể bỏ qua được một cách dễ dàng, tức nghĩa là bạn và người ấy có khả năng “tiến tới” khá cao (tất nhiên còn phải xét những trường hợp phía trên nữa).

* Hãy thử tưởng tượng cả hai sẽ trở thành một cặp, phản ứng của những người xung quanh thế nào? Và bạn có thật sự quan tâm đến điều đó? Nếu bạn bị chỉ trích, chọc ghẹo, bàn tán hoặc…nhiều người phá bĩnh, liệu hai người có vượt qua được không?

* Một số thói quen của bạn sẽ phải thay đổi, liệu bạn có thích nghi được? Đây là điều quan trọng nhất. Nếu bạn không chịu được việc phải thay đổi thói quen, thì tốt nhất nên từ chối người ta.

Quyết định

Nếu bạn muốn cả hai chính thức trở thành một đôi: Không cần nói gì cả, cứ dần dà quan tâm và đón nhận tình cảm của người ta, đồng thời công khai tình cảm, hẳn người ta sẽ hiểu ra và hai bạn sẽ bước vào khoảng thời gian đầu cực kì hạnh phúc.

Nếu bạn muốn “trì hoãn” hoặc khước từ: Cho người ấy biết rằng bạn chưa thật sự sẵn sàng vì cả hai không hợp để trở thành một cặp. Bạn cũng có tình cảm với người ta đấy, nhưng có lẽ cả hai không quen nhau thì tốt hơn. Hẳn người ta sẽ hiểu và cùng thay đổi để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

o0o

Tình cảm không phải lúc nào cũng dễ hiểu, nên cũng rất cần những tình huống “nháp” thế này. Có thể bạn ủng hộ, có thể không, nhưng tình yêu không có công thức như toán học, nên mỗi người đều có quyền lựa chọn cho mình những phương cách phù hợp. Chúc bạn tìm được một người thật sự tâm đầu ý hợp với mình