Sống Cho Mình 1 Chút

00:48AM 07/04/2011, Khác

Có người gọi đó là ích kỷ. Nhưng nhiều khi đó lại đồng nghĩa với việc bạn cho bản thân mình thêm một chút yêu thương.

Biết nói “không”

Tại sao bạn lúc nào cũng là người phải ôm hết phần lớn công việc của nhóm khi thuyết trình? Tại sao bạn phải mất cả buổi sáng chỉ để nghe một cô bạn than thở những chuyện không đâu ra đâu? Tại sao bạn phải gật đầu đồng ý về một việc mà thật sự bạn không muốn hoặc không có thời gian làm?

Có lẽ chúng ta ai cũng từng rơi vào những tình huống đầu thì gật mà bụng thì chẳng vui. Vì sợ mang tiếng ích kỉ, vì sợ bạn bè giận, vì tế nhị hay cả nể gì gì đó…

Nhưng hãy nhớ rằng việc bạn từ chối một việc mình không thích làm dù sao vẫn tốt hơn là ráng chịu đựng và làm không xong nó. Từ chối, nói “không” đúng lúc là những kỹ năng chúng ta cần phải tập, và rõ ràng là chẳng có gì ích kỉ ở đây cả.

Đừng chỉ biết yêu vô điều kiện

Bạn nghĩ rằng yêu thương chân thành là đủ, là không tính toán thiệt hơn, là vui khi nhìn thấy người ta hạnh phúc? Bạn nghĩ rằng mình chấp nhận yêu đơn phương mãi mãi, bạn chấp nhận mình là người thay thế, và sẵn sàng lao tới bất cứ khi nào người ta cần?

Nhưng liệu bạn có vui mãi không khi người ta chỉ gọi cho bạn lúc cần giúp đỡ, lúc cần có người chia sẻ nỗi buồn, và phớt lờ tình cảm mà bạn đã dành cho? Và liệu bạn có thể yêu mãi một người chưa bao giờ biết nghĩ cho bạn, chưa một lần quan tâm xem bạn cần gì, cũng như không bao giờ chìa cho bạn một bàn tay?

Yêu thương ai đó chân thành thì rất tuyệt, nhưng sự thật là rất khó tồn tại một tình cảm mà chỉ xuất phát từ một chiều. Do đó, nếu bạn cứ mải mê trong một tình yêu như thế, hãy dũng cảm dừng lại và tìm cho mình một lối rẽ phù hợp hơn.

Không cần phải cười nếu bạn không vui

Ai cũng khen bạn là người vui vẻ, ai cũng muốn ở bên cạnh bạn, và mỗi khi họ buồn thì gọi cho bạn đầu tiên?

Được trở thành chỗ dựa cho bạn bè lúc không vui thì tốt thôi. Nhưng liệu có khi nào bạn phải cố gắng mỉm cười vì cái hình tượng vui vẻ đã xây, có khi nào bạn tự hỏi nếu mình buồn thì có ai luôn sẵn sàng ở cạnh, và bao nhiêu người thật sự quan tâm xem bạn cảm thấy thế nào? Hãy nhớ là bạn không cần phải cười nếu bạn không vui, cũng như hoàn toàn có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc suy nghĩ vượt ra khỏi những gì người khác đã “đóng khung” cho mình.

Đòi lại một món nợ?

Một trong những tình huống tế nhị và cực kì khó xử, là việc đòi lại những món đồ hay món tiền đã cho người khác mượn. Bạn rất ngại khi phải đi đòi lại vài cuốn sách hay một ít tiền, là mấy thứ lặt vặt lẻ tẻ ấy không có giá trị bao nhiêu, vì nghĩ rằng chỉ bấy nhiêu đó cũng đòi thì còn gì là bạn bè?

Hãy nhớ rằng, nếu như người ta đã không cảm thấy xấu hổ về việc mượn —mà- không- trả, thì bạn chẳng việc gì xấu hổ hay lăn tăn về chuyện mình đi đòi lại cả. Bạn đã phải chi tiền cho những món hàng ấy, thì dù là ai đi nữa cũng phải mang trả lại, không trả thì bạn sẽ phải đòi. Một vòng tròn khép kín, và không cần phải lo ngại rằng mình keo kiệt hau ích kỉ.

Biết đòi hỏi quyền lợi của mình

Việc đòi hỏi quyền lợi khác hoàn toàn với chuyện hoạch họe và yêu sách người khác. Bạn vào một quán nước và không đồng ý với cách phục vụ của nhân viên, thay vì im lặng xì xầm với bạn bè, hãy đứng lên yêu cầu được gặp người quản lí. Bạn mua một chiếc áo, và sau khi mang về phát hiện nó bị lỗi hay ra màu, đừng chỉ biết cam chịu rằng mình …xui, hãy mang nó lại cửa tiệm và yêu cầu đổi hoặc trả lại tiền.

Teen chúng ta thường rất ngại nêu phản ảnh của mình, lâu dần trở thành “những người tiêu dùng tội nghiệp”. Hãy nhớ rằng bạn đã bỏ ra một khoản tiền, và hoàn toàn đủ quyền để đòi hỏi một cách lịch sự về việc được đáp ứng đúng như giá trị món tiền đó. Tất cả những chuyện bạn làm, không chỉ là vì bạn, mà còn vì sự phát triển của mảng dịch vụ khách hàng các công ty/ quán ăn/ cửa tiệm đó nữa.

Hãy để người khác tự giải quyết vấn đề

Bạn hoàn toàn có thể giúp đỡ bạn bè khi họ gặp khó khăn. Không ai có thể sống một mình mà không dựa vào người khác hay để cho người khác dựa vào. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn cứ phải chạy tới chạy lui giải quyết tất cả mọi rắc rối của họ, cũng như không để họ chỉ một chút xíu gì cũng kêu réo om sòm còn bạn lập tức xuất hiện như một vị cứu tinh.

Thời gian/ sức lực/ khả năng/ điều kiện/ hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, nhưng thật sự là ai cũng có vấn đề. Bạn có những vấn đề cần giải quyết của bạn, tớ có rắc rối của tớ, và mọi người cũng có những mớ lùm xùm của họ. Vì vậy đừng cứ để mình trở thành một trợ lý chạy mãi theo sau lo cho một ai khác với những rắc — rối — bản — thân - họ - có - thể - tự - giải — quyết, bạn sẽ rất mệt, và người ta trở thành những kẻ dựa dẫm mãi đấy!

Sống cho mình một tí để cuộc sống riêng cuả bạn tuyệt vời hơn nhé!


Theo Đặng Thị Hạnh Dung (MTO)