Trưởng Thành Là Gì? Khủng Hoảng Tuối 30 Ở Việt Nam Và Lối Thoát Cho Thế Hệ 9X

15:57PM 04/04/2020, Góc tâm hồn

Trong mọi nền văn minh, trưởng thành luôn là một dấu mốc quan trọng của đời người. Nó là ranh giới giữa làm trẻ con và làm người lớn, giữa việc được nuông chiều với việc phải chịu trách nhiệm nhất định trong gia đình, xã hội hay tôn giáo nơi mình sinh sống. Để đánh dấu ngày này, người Do thái tổ chức lễBar Mitzvah cho bé trai 13 tuổi, người Nam Mỹ tổ chức Quinceañera cho bé gái đến tuổi 15, người Mỹ có Sweet 16, người Nhật có Seijin No Hi cho thanh niên 20 tuổi.

Người Việt Nam có vẻ không quan tâm lắm đến nghi lễ trưởng thành, mặc dù một số cột mốc được pháp luật công nhận: 18 tuổi được cấp giấy phép lái xe, 20 tuổi được hợp pháp lấy vợ… Thay vào đó, chúng ta chọn một mốc tuổi chung cho cả hai khái niệm “trưởng thành” và “thành đạt”: tuổi 30.

Lý do lựa chọn tuổi 30 không thấy ai nói rõ, nhưng tôi nghĩ nó dựa vào một câu nói của Khổng Tử khi ông tổng kết cuộc đời mình:“Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”, ý rằng: “Ta 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh Trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc”. (*)

Nhưng “lập” cụ thể là sao thì thánh nhân không nói rõ.

Sự trưởng thành của một con người có thể đo trên ba khía cạnh: cơ thể, vật chất và tinh thần. Trưởng thành về cơ thể đồng nghĩa với sự dậy thì, điều này ai cũng rõ không cần nói thêm. Bài viết này chỉ bàn đến hai khía cạnh lớn hơn gồm vật chất và tinh thần.

Trưởng Thành Vật Chất Là Gì?

Trưởng thành về vật chất là điều được người Việt Nam quan tâm nhất, vì nó dễ quan sát và lấy ra so sánh giữa người này với người kia. Đối với thế hệ sinh ra vào những năm 1960 – 1970, trưởng thành khá đơn giản, bao gồm làm việc trong nhà nước, chăm sóc bố mẹ, lập gia đình và sinh con ở độ tuổi khoảng 25.

Với thế hệ 8X và 9X (Millennials, hay còn gọi làGen Y, dùng để gọi những người sinh năm 1981 – 1996), sự trưởng thành (và cũng là thành đạt) ở tuổi 30 được xã hội công nhận thông qua một số tiêu chí:

  • Có việc làm ổn định
  • Sở hữu phương tiện cá nhân (khoảng chục năm trước là xe máy tay ga, tiêu chuẩn gần đây là sở hữu ô tô)
  • Lập gia đình (và có con)
  • Sở hữu nhà riêng (phần lớn là chung cư)
  • Và gần đây, do học tập hình mẫu Mỹ, thanh niên tự gia tăng áp lực với mục tiêu phải đi du lịch qua hàng chục nước trước khi chạm mốc trưởng thành

Bên trên là hình mẫu 30 tuổi bạn thường thấy trên phim ảnh hoặc sách báo Việt. Cũng giống như câu chuyện tình yêu Disney, hình mẫu này không phản ánh thực tế số đông.

Ta thử xét tính khả thi của nó như sau: trong xã hội Việt Nam, nhất là ở đô thị, con cái rời vòng tay cha mẹ khá muộn, thường sau tuổi 22 khi đã tốt nghiệp đại học. Nếu trước đó sống xa gia đình do phải lên thành phố học hoặc đi du học, con cái vẫn phụ thuộc phần lớn vào tiền phụ huynh cung cấp, và do vậy, nằm trong tầm kiểm soát của bố mẹ.

Ngay cả khi đã đi làm, bạn có thể quan sát chính mình và người xung quanh để thấy rằng trong khoảng 3 năm đầu, đa số vẫn chưa hết phụ thuộc tài chính (ở cùng nhà bố mẹ, không đóng tiền ăn, không mua sắm vật dụng sinh hoạt…). Vậy nếu tính tuổi ổn định tiền bạc là 22 tuổi + 3 = 25 tuổi, thanh niên Việt Nam thế hệ Millennials chỉ có 5 năm để lập gia đình và mua nhà cửa, xe cộ.

Xét mức lương trung bình và điều kiện sống ở các đô thị lớn, chỉ một số ít rất thông minh và may mắn (kèm theo xuất phát tốt) mới kịp đạt được các mục tiêu trên. Phần đông còn lại, hoặc hài lòng với mức sống thấp hơn, hoặc sắm đủ nhà xe nhưng gánh trên đầu một đống nợ, hoặc “hack game” bằng cách…vẫn xài tiền các cụ như xưa: mua nhà 2 tỉ ông bà già cho 1 tỉ 9, mua xe 1 tỉ xin bố mẹ 800, vân vân.

Nói chung, kỳ vọng xã hội về sự trưởng thành vật chất đè nặng lên vai thanh niên Việt Nam khi tuổi 30 đến gần, đặc biệt đối với nam giới.

Trưởng Thành Tâm Lý Là Gì?

Sự trưởng thành tâm lý, trái lại, rất ít được quan tâm, có lẽ vì nó không rõ ràng và khó định đoán. Nhưng thế nào là trưởng thành tâm lý? Theo tôi trưởng thành tâm lý gồm hai yếu tố đơn giản:

  • a) thường xuyên có tâm trạng vui vẻ, và
  • b) giữ được tinh thần vững vàng khi trải qua những bất hạnh/ khó khăn của cuộc sống.

Nói cụ thể hơn, trưởng thành tâm lý nghĩa là bạn không quá tức giận khi bị nói xấu ở chỗ làm, không quá buồn khi một đứa bạn thân bỗng cắt đứt liên lạc, hoặc không tự tử khi bị người yêu lừa dối. Ngoại cảnh không thể đẩy bạn tới bờ vực. Bạn vẫn có cảm xúc tiêu cực và buồn giận, nhưng không nhiều và không lâu. Khi tâm lý đã trưởng thành, bạn không rơi vào khủng hoảng: bạn chọn cách phản ứng tích cực trước sự việc và tiếp tục sống.

Nhìn một vòng quanh bạn bè người thân trong độ tuổi cuối 8X đến 9X, bạn sẽ thấy ngay đây là một thế hệ èo uột về tinh thần: trầm cảm vì không tìm được việc làm, post cảnh ăn uống hàng ngày lên story facebook và canh lượt view, luôn kêu ca rằng cuộc sống buồn chán và tù túng (đây là lý do những bài hát như Bài này chill phết của Đen ngay lập tức được yêu thích – nó nói trúng tâm lý bế tắc của thanh niên). Millenials ở Việt Nam là một thế hệ bất hạnh: không còn chiến tranh để trở thành anh hùng, không trải qua nạn đói để biết trân trọng sự sống, không có niềm tin tôn giáo để củng cố tâm hồn.

Các thế hệ trước Gen Y có vẻ không gặp phải những vấn đề tương tự. Họ đạt được sự trưởng thành tâm lý đúng độ tuổi nhờ các điều kiện xã hội đặc thù của thế hệ mình.

Lứa sinh vào thập niên 60 – 70 tại Việt Nam phải đối mặt với cái chết gần như mỗi ngày do chiến tranh, nghèo đói và dịch bệnh. Trải qua biến cố lớn như vậy, họ có tinh thần vững vàng và đủ khă năng chống chọi với những bất hạnh khác (luôn luôn nhỏ hơn cái chết). Xã hội lúc đó có mục đích chung: chiến tranh vệ quốc, xây dựng lại đất nước; vì thế thanh niên được miễn trừ khỏi sự chán nản mà lao vào hành động.

Xét theo tâm trạng của thời đại, có thể nói rằng bố mẹ chúng ta tỉnh dậy mỗi sáng biết họ sống để làm gì, chúng ta thì không.

Các thế hệ sau lớn lên trong điều kiện xã hội tốt hơn (thậm chí dư thừa vật chất, đối với nửa sau 9X) nên tinh thần không được rèn luyện và họ trở nên yếu ớt. Họ không còn phải sợ chết đói hay chết trận, vì thế họ buồn bã, u sầu, họ chán hết; họ rơi vào khủng hoảng và muốn tự tử chỉ vì những chuyện vụn vặt nhất trên đời.

Lối Thoát

Vậy thế hệ Millenials phải làm cách gì để trưởng thành về tâm lý? Thiếu đi những thử thách như nghèo đói hay chiến tranh, chúng ta đã phải củng cố tâm hồn bằng cách dựa vào tôn giáo.

Một cách tự nhiên, nhiều người chọn đạo Phật; đó là lý do khoảng 10 năm trở lại đây (trùng với thời điểm trưởng thành của lứa 8X và đầu 9X), sách vở nghiên cứu đạo Phật được in rất nhiều và người ta coi học thuyết vô ngã của tôn giáo này là câu trả lời cho mọi câu hỏi.

Nhưng không phải ai cũng thấy dễ chịu với tôn giáo, dù đạo gì đi chăng nữa. Lý do chủ yếu là vì, dù được hưởng lợi ích từ một hệ thống triết lý để sống theo và neo giữ tâm hồn trong gian nan, bạn lại bị ràng buộc bởi nhiều quy tắc đạo đức rườm rà, ví dụ phải giữ giới, phải cúng lễ định kỳ hay lấy vợ cùng tôn giáo.

Nhưng còn một phương án khác: dựa vào triết học. Trong mọi hệ thống triết học, tôi nghĩ chỉ có một tư tưởng phù hợp nhất và dễ hiểu nhất với tâm lý con người hiện đại, đó làStoicism (Chủ nghĩa khắc kỷ). Khó mà tóm lược Stoicism chỉ trong một bài viết ngắn, nhưng nếu phải tóm tắt hệ thống triết học ấy, tôi xin trích một câu của Epictetus: “Con người không bị ảnh hưởng bởi các biến cố mà bị ảnh hưởng bởi cách chúng ta nhìn biến cố ấy.”

Phái Stoic nhìn nhận thế giới theo kiểu lưỡng cực (binary) và chia mọi biến cố trong đời làm hai nhóm, gọi là Dichotomy of Control:

  • a) những việc bạn có thể kiểm soát hoàn toàn (thích hay không thích một đôi giày)
  • b) những việc bạn không thể kiểm soát (máy bay đến trễ)

Bạn không thể kiểm soát được việc chuyến bay bị delay, nhưng bạn có thể kiểm soát cách mình phản ứng với biến cố ấy: bạn có thể cau có tức giận hoặc cũng có thể mặc kệ nó và đi uống cà phê trong khi chờ. Bạn có thể kiểm soát những gì mình nói ra, nhưng không thể kiểm soát những gì người khác nói về bạn. Theo phái Stoic, mọi bất hạnh của chúng ta đều đến từ việc gắng sức thay đổi những biến cố ngoài tầm kiểm soát (tìm cách ngăn người khác nói xấu mình) hoặc chọn hướng phản ứng tiêu cực khi biến cố xảy ra (bực tức vì bị nói xấu).

Thử lấy một ví dụ khác, về tình yêu chẳng hạn, vì thế hệ này luôn gặp rắc rối trong chuyện yêu đương. Nếu bạn thích một người nhưng người ta không thích bạn thì sao? Bạn không thể kiểm soát tình cảm của người kia, vậy đau khổ là vô ích (dù không ai tránh khỏi đau khổ trong thời gian ngắn, chúng ta không phải người máy). Nhưng bạn phải nhìn nhận lại những yếu tố mình có thể kiểm soát: bạn đã thực sự cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình chưa? Bạn đã leo được mấy bước trên bậc thang giá trị? Bạn không thể cao thêm 10cm hay có khuôn mặt của Brad Pitt, nhưng bạn không nhất thiết phải đi tán gái trong tình trạng hôi nách hay áo quần xộc xệch. Nhận biết điều gì nằm trong và ngoài tầm kiểm soát giúp bạn xử lý các biến cố cuộc sống nhanh hơn và tích cực hơn.

Tôi không nghĩ Stoicism là một hệ thống triết lý hoàn hảo, nhưng theo ý tôi nó dễ hiểu nhất và dễ thực hành nhất đối với con người hiện đại. Chỉ cần nắm vững nguyên tắc phân loại trên, chúng ta sẽ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của những cảm xúc tiêu cực và đủ khả năng tinh thần đối mặt với khó khăn, tức là đạt đến sự trưởng thành về tâm lý, điều mà thế hệ trước đạt được một cách tự nhiên.

Kết

Kỳ vọng của xã hội và những hình mẫu không tưởng của truyền thông khiến tuổi 30 trở nên thật nặng nề. Nhưng đã trót sinh vào thời đại này chúng ta đành chịu vậy. Tôi chúc các bạn cùng thế hệ vững bước qua giai đoạn khó khăn này, và bên cạnh việc kiếm tiền hãy dành thời gian chăm sóc tâm hồn mình nữa, vì chúng ta thực sự là một thế hệ kém cỏi về mặt tinh thần. Ngồi xe đẹp để làm gì nếu một bức ảnh được ít like cũng khiến bạn kém vui?


Theo chiep.co