Cơm Việt Nam Ở Mỗi Vùng
11:22AM 28/09/2012, Khác
Cơm tấm - Sài Gòn
Cơm tấm ngày nay đã trở thành một niềm tự hào trong văn hóa ẩm thực của người dân miền Nam. Đi khắp bất cứ đâu ở miền Nam, từ thành phố cho đến nông thôn, đâu đâu cũng có thể dễ dàng tìm thấy món cơm tuyệt vời này. Vốn dĩ trước khia, món cơm này được người ta dùng làm món điểm tâm sáng, nhưng với sự phát triển như ngày nay thì cơm tấm có mặt gần như 24/7.
Cơm tấm được chế biến không quá cầu kỳ nhưng nó lại là một món ăn vô cùng độc đáo. Hạt gạo dùng để nấu cơm tấm nhất định phải là những hạt gạo nhỏ, vỡ vụn. Khi nấu cơm tấm người ta thường cho lá dứa vào để tăng thêm mùi thơm cho hạt gạo, Và kế đến là sườn, được nướng chín trên bếp than hồng tạo nên một mùi hương hấp dẫn và khó cưỡng lại được.
Nước mắm cũng là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng của món cơm tấm. Nước mắm dùng để ăn kèm muốn ngon thì phải được pha chế sao cho vị mặn, vị ngọt và vị chua nhẹ hòa quyện với nhau một cách tinh tế nhất. Một dĩa cơm tấm sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu đi phần mỡ hành và dưa chua. Những ai đã từng một lần thưởng thức qua món ăn này chắc chắn sẽ không thể quên được sự quyến rũ của nó.
Cơm gà – Hội An
Cơm gà Hội An được biết đến như một nét văn hóa ẩm thực bình dị của người dân nơi đây. Tuy chỉ đơn giản là cơm ăn với gà luộc nhưng không hiểu sao món ăn này lại có một sự lôi cuốn đến kỳ lạ, rất riêng và cũng rất miền Trung. Gà sau khi được nấu chín, người ta sẽ xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và thêm chút gia vị vào đó. Còn nước luộc gà sẽ dùng để nấu cơm nên chính vì thế mà hạt cơm ở đây luôn ánh lên một sắc vàng nhẹ, căng bóng và có vị ngọt nhẹ của thịt gà.
Chỉ với một đĩa cơm đơn giản, ăm kèm với một loại tương ớt sền sền (hoặc nước tương, tùy vào khẩu vị của mỗi người), ấy vậy mà bất cứ ai mỗi khi đặt chân đến Hội An đều không quên thưởng thức món ăn này.
Cơm ghẹ - Phú Quốc
Cơm ghẹ là món ăn ngon đặc trưng rất ấn tượng và cũng rất khó quên khi đặt chân đến Phú Quốc. Cũng như những món cơm nổi tiếng khác của Việt Nam. Cách chế biến cơm ghẹ cũng rất đơn giản, nhưng sức hút từ món cơm mang đến thì lại rất lớn. Thịt ghẹ sau khi luộc chính sẽ được bóc ra và sau đó được chiên lên cùng với cơm trắng. Khi chiên cơm, người ta sẽ cho thêm vào đó hành tây thái mỏng, tương cả, tỏi băm, và gia vị.
Nhờ có tương cà vàng nên sau khi được chế biến, món cơm ghẹ này có một màu vàng nhẹ vô cùng bắt mắt. Cơm ghẹ thường được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn và cà chua xắt lát. Nước mắm ăn cùng cơm cũng sẽ được pha chế theo một công thức riêng của người dân nơi đây. Món cơm ghẹ này cũng chính là niềm tự hào của người dân đảo Phú Quốc bởi hầu như khách du lịch nào đến đây cũng đều phải thưởng thức ít nhất một lần món cơm này.
Cơm dừa – Bến Tre
Xứ dừa Bến Tre từ lâu đã được biết đến với hàng loạt món ngon vật lạ được chế biến từ dừa. Cũng chính vì thế mà dừa từ lâu đã là cái hồn của người dân nơi đây. Nếu có dịp đặt chân đến xứ dừa Bến Tre thì bạn cũng không nên bỏ qua món cơm dừa khá là độc đáo này.
So với những món cơm khác thì khi chế biến cơm dừa có phần cầu kỳ hơn rất nhiều. Người ta sẽ dùng những trái dừa xiêm, sau đó lấy toàn bộ nước dừa ra. Gạo sau khi vo sạch với nước dừa thì cho vào bên trong trái dừa. Tiếp đến là cho thêm một lượng nước dừa vừa đủ, dùng nấp dừa đậy kín quả dừa lại, sau đó đem đi hấp cách thủy. Món cơm này nhờ được nấu bằng nước dừa nên nó có một mùi thơm vô cùng hấp dẫn và phần cơm thì rất ngon, ngọt và bùi.
Khi ăn, người ta cũng sẽ không lấy cơm ra khỏi trái dừa mà ăn trực tiếp luôn trong đó. Đây cũng là một trong những nét độc đáo và thú vị của món cơm dừa Bến Tre.
Cơm cháy - Ninh Bình
Cơm cháy Ninh Bình từ lâu cũng đã "nức tiếng gần xa" bởi cái sự độc đáo của nó. Muốn làm được món cơm cháy thơm ngon, người ta nhất định phải dùng gạo nếp hương. Khi nấu thì gạo phải được nấu bằng than củi và dùng nồi gang thì miếng cơm cháy mới có độ dẹo và màu vàng vừa phải.
Cơm cháy sau khi lấy ra từ nồi sẽ được phơi khoảng 2, 3 nắng và sau đó là có thể bảo quản. Khi cần ăn thì người ta sẽ mang ra chiên giòn. Cơm cháy có thể ăn kèm với thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua. Khi ăn, chỉ cần rưới đều món xào lên phần cơm cháy, vậy là bạn đã có một món ngon với rất nhiều hương vị khác nhau.
Cơm Lam - Tây Bắc
Nếu trước kia cơm Lam chỉ là một món cơm để mang theo đi rừng, đi núi thì ngày nay, món cơm Lam đã trở thành một đặc sản thu hút không chỉ khách du lịch Việt Nam mà khách du lịch nước ngoài cũng phải mê mẩn.
Cơm Lam thường được làm từ gạo thơm hoặc gạo nếp. Người ta sẽ cho gạo vào ống tre, hoặc nứa và sau đó nướng chín trên lửa. Khi chín, người ta sẽ tách bỏ đi phần ống và cơm sẽ được chấm với muối vừng hoặc muối lạc. Cơm Lam có hương vị khác hẳn với những món cơm thông thường nhờ vào độ dẻo, mùi thơm từ gạo, mùi thơm từ tre, nứa và mùi thơm từ lửa. Chính vì thề mà cơm Lam mang đến một nét đặc trưng hoàn tòa khác biệt không thể lẫn vào đâu được so với những món cơm khác.