Làm Sao Để Nhận Biết Người Kém Trách Nhiệm?

11:21AM 28/08/2021, Góc tâm hồn

Cho 1 đứa trẻ cấp 1 "con tự do làm những gì con thích đi", thì phần lớn chúng sẽ ôm điện thoại, ipad hoặc truyện tranh hoặc tivi ngay lập tức.
Cho 1 học sinh trung học "con thoải mái làm những điều con thích đi" thì chúng sẽ đi chơi game, cà phê, chạy xe máy trên phố la hét, thậm chí hút thuốc và thử những cái chúng tò mò.
Cho một sinh viên "hãy làm điều bạn thích" thì đại đa số sẽ chọn yêu đương bồ bịch, nhậu, ngủ, đi chơi, cà phê, mua sắm,....chứ ít ai chọn ngồi giải những phương trình dài ngoằng, những cuốn giáo trình khô khan, những sách chuyên môn dày cộm. Bạn cứ nhớ lại đi, thời đi học, hôm nào được nghỉ vì thầy cô ốm bệnh là cả lớp mừng rỡ, vì được đi chơi!
Với người non nớt, chưa có sự chín chắn và óc già dặn của sự trưởng thành "hãy làm điều bạn ưa thích" là cái bẫy của sự bất hạnh. Và với người hay nói những câu như "tôi ghét nhất là, tôi chúa ghét..." thì họ chắc chắn là nhóm người hành xử rất cảm tính, để cảm xúc chi phối nhiều. Nay yêu mai ghét, nay thích mai chán, nay ưa mai hết ưa...thì không có sự sâu sắc và đức tin vững vàng (nay tin mai hết tin). Nếu họ chỉ làm "những thứ tôi đam mê" thì đời họ sẽ xoay tròn như 1 cái đèn cù quân vậy. Bạn có thể nhìn thấy quanh bạn, rất nhiều người, tuổi đã lớn nhưng chẳng có thành tựu gì như họ muốn, dù họ có năng lực.
Đam mê, với người non nớt, sẽ thay đổi xoành xoạch. Cấp 1 có khi ước mơ làm phi công nhưng lên cấp 2 lại muốn thành diễn viên ca sĩ, lên cấp 3 có khi muốn thành giáo viên giám đốc kỹ sư bác sĩ nhưng cuối cùng lại trở thành anh hùng bàn phím, sống ảo trên mạng bình luận dạo khắp nơi. Thấy người ta nói cái gì hay là mình vội vàng "đam mê", vài bữa lại hết.
Đam mê là khái niệm chỉ dành cho người có đầu óc rất trưởng thành và nhận thức rất sâu, bản lĩnh rất vững, đức tin rất chân thành (người có tư chất). Vì nó gắn với 2 chữ TRÁCH NHIỆM.
Các bạn đọc bài viết tuyệt hay này để biết mà "chọn bạn mà chơi, chọn người vào đội".


Làm sao để nhận biết người kém trách nhiệm?
01. Gần đây tôi có phỏng vấn một ứng viên, tôi hỏi vì sao cô nghỉ công việc trước, cô ấy nói "Việc đó, nghề đó em không thích". Mình hỏi, thế thì tại sao trước đó lại chọn làm, cô nói "Thật ra là lúc đầu em thích, nhưng lâu dần thì thấy không thích nữa".
Và mình hỏi thế bây giờ em thích gì, cô ấy nói rằng cô ấy thích marketing. Cô ấy nói mình đã tham gia rất nhiều lớp học, theo rất nhiều thầy giỏi, cũng đã đọc rất nhiều sách về lĩnh vực này. Marketing là đam mê, là lẽ sống của đời cô.
Tôi cho cô ấy vào bộ phận marketing thử việc. Nhưng khi bắt tay vào làm, cô thấy thực tế hoàn toàn khác biệt, quá khó so với lý thuyết. Chỉ sau 2 tuần, cô ấy đã xin nghỉ. Khi rời đi, cô ấy nói với một nhân viên khác: "Tôi thấy marketing không phù hợp với bản thân, tôi không thể làm những việc tôi không thích được."
Cô ấy mới 24 tuổi, tôi thực sự muốn nói với cô ấy rằng cái sự thích/không thích mà bạn vừa nói chỉ là cái cớ cho sự không cố gắng, không hành động và không kiên trì.
Làm tốt một việc dù là việc nhỏ như giảm cân giữ dáng hay việc lớn như kiếm tiền nuôi gia đình thì không thể chỉ dựa vào hứng thú, yêu thích, mà còn dựa vào sự chuyên nghiệp, niềm tin và sự kiên trì.
02. Những người luôn miệng nói thích, đam mê, sứ mệnh này nọ....chưa làm gì đã muốn sống theo cách mình thích, tôi thật sự khâm phục.
Nhưng một người như vậy, chúng ta vẫn nên tránh xa.
Bởi vì họ không chỉ không có chút thành tựu gì, mà còn chuyên gia đào hố đồng đội. Nói dễ nghe thì là văn nhân, không màng tất cả sống theo cách mình thích. Nói khó nghe hơn thì là đây là một người cảm tính và thiếu trách nhiệm, rất nguy hiểm nếu làm việc cùng.
Bạn tôi có mở một quán cà phê. Bạn tôi bỏ cả tỷ để mở quán và tìm một người hợp tác. Có một cậu trai tham gia, cậu này rất thích cà phê, mở một quán cà phê luôn là ước mơ, là đam mê, là sứ mạng trọn đời của cậu.
Nghe rất hoàn hảo phải không? Nhưng những người khởi nghiệp vì ước mơ, làm việc vì yêu thích về cơ bản đều không đáng tin cậy! Chỉ cần nhớ điều này, bạn có thể tránh được 99% việc tuyển dụng hoặc hùn hạp làm ăn với người tào lao.
Quán cà phê của bạn tôi mở chưa đầy nửa năm, vì sự tùy hứng của người hợp tác mà công việc không tốt, tâm lý mọi người không vui. Tháng Tết là mùa cao điểm kinh doanh nhưng cậu trai kia muốn đi du lịch, đi liền 20 ngày, vì thấy trên mạng chỗ nào đó quá đẹp, phải đi để săn ảnh. Sau đó thì lại thăm gia đình, dù gì phải ở chung với gia đình trong dịp năm mới.
Bạn tôi nói với cậu ấy: "Chờ đến tháng 7 đi được không? Bây giờ đang cao điểm, em đi thì quán làm thế nào?"
Cậu ấy nói: "Không, em không thể từ bỏ điều em thích chỉ vì công việc. Em phải cân bằng work-life balance. Đối với em, gia đình là trên hết, nên lễ tết là em phải về". "Còn quán thì ai trực"- bạn tôi hỏi. Cậu ấy nói "thì đóng cửa lại, mùng năm mùng sáu em sẽ trở lại làm việc, lúc đó mới mở cửa".
Bạn tôi hỏi, sao lúc mở quán, chẳng phải bạn đã nói cà phê là cái bạn yêu thích kinh khủng đó sao? Lễ tết, với người làm phục vụ, phi công, tài xế, nhà hàng, khách sạn,....là mua lao động chính cơ mà. Nói như cậu, Tết thì máy bay tài xế taxi hàng quán gì đóng cửa hết ư? Rồi lấy ai phục vụ người còn lại?
03. Thích không thể biến thành niềm tin, nó chỉ là cái cớ cho việc bạn đứng núi này trông núi khác, có mới nới cũ. Kẻ non nớt nói thích, người chín chắn nói trách nhiệm.
Muốn làm tốt một việc thì phải có 10% thích + 90% trách nhiệm.
Thành công như hình xoắn ốc ngày càng lên cao giữa thích và chán, cảm giác thành tựu tăng lên giúp chúng ta chống lại sự phiền chán, mất hứng, đưa chúng ta đến bến bờ hy vọng.
Khi phiền chán hoặc sự cố vừa ập đến, bị tuột mood, người thuộc hệ "em thích, em không thích" sẽ lập tức lựa chọn thay đổi, nghỉ việc, từ bỏ.
Và thế là, họ nhảy hết việc này đến việc khác. Cho dầu họ có lang thang khắp nơi để trải nghiệm, họ vẫn chỉ có thể đứng lưng chừng núi ngắm nhìn cảnh vật mà thôi. Vì khi chưa leo lên tới đỉnh, họ đã bỏ cuộc. Và đi nhiều, nhảy nhiều như thế, thì thời gian đâu mà chuyên tâm làm cái gì cho ra hồn?
William Somerset Maugham nói: "Để tâm hồn được yên tĩnh, tốt nhất mọi người nên làm hai việc mà mình không thích mỗi ngày".
Vì vậy khi làm việc đừng để bản thân chỉ vì sự chán nản nhất thời mà đưa ra những quyết định sai lầm.
Thích không phải chuyện xấu.
Nhưng đã thích rồi, đã chọn rồi thì phải kiên trì, phải có trách nhiệm.


Theo Tony buổi sáng