Chiếc Đòn Bẫy Đến Từ Đâu?
16:53PM 21/01/2011, Khác
Có những người sáng sáng tung tăng nhảy khỏi giường và “vồ vập” bắt tay thực hiện các dự định của mình.
Có những người thức dậy và nằm ngắm…thằn lằn, tự hỏi ngày hôm nay liệu có gì hay sẽ xảy ra.
Cách thức dậy khác nhau và cuộc sống cũng khác nhau. Thông thường thì phe thứ nhất luôn bận rộn với những hy vọng, ước mơ, mục đích, nhiệm vụ…và hạnh phúc khi thấy mình luôn vận động. Phe thứ hai có một cuộc sống tầm tầm, không có gì để nói. Nếu thành công là một cái thang, thì những người thuộc phe 1 sẽ ở những nấc rất cao; còn những người phe 2 ở những nấc thấp lè tè, lúc nào cũng thèm thuồng ngẩng lên nhìn…người khác!
Khác biệt lớn nhất giữa một người tầm tầm và một người luôn vơ đầy thành công chính là Động lực. Cụ thể hóa thì động lực là ước mơ, là một lời hứa, là cảm giác sung sướng, thậm chí là để thỏa mãn tự ái...Nó mang bất cứ “hình dáng” gì, miễn sao là có thể thúc bạn hoạt động và tiến lên trong cuộc sống. Chính động lực là đòn bẩy bẩy bạn bay xa hơn một người có cùng xuất phát điểm với mình - học vấn, năng lực, sức khỏe và tài chính ngang nhau.
Chiếc “đòn bẩy” đến từ đâu?
Mỗi người có một nguồn cảm hứng khác nhau, khi từ thành công của người khác, khi từ quang cảnh tương lai rạng rỡ mà bạn vẽ ra cho mình, khi từ giấc mơ của ba mẹ. Nhưng nếu gom chung lại rồi phân chia theo nhóm thì “đòn bẩy” được xây dựng từ những khao khát sau:
Khao khát được thành công - Có những mục đích cụ thể và các kế hoạch vi mô để thực hiện.
Khao khát được học hỏi và luôn tìm kiếm cho mình những cơ hội mới.
Khao khát đứng lên và hồi phục tinh thần nếu lỡ “rơi cái bịch”. Tìm đến thành công giống y chơi trò tìm kho báu. Trước khi có thể sung sướng đắp $$$ lên người mà ngủ, bạn buộc phải chiến đấu với yêu ma quỷ dữ và vượt hàng dãy ma trận. Mỗi lần ngã oạch là bạn càng sôi máu chơi lại để nuốt chửng cái con ma gớm ghiếc đã phun lửa vào người mình. Chính cảm giác thua kích thích lòng kiêu hãnh và bạn càng kiên nhẫn làm lại để tự khẳng định. Nhưng cẩn thận, trong các tình huống thua thì kiêu hãnh và tự ái rất gần nhau. Chỉ cần sơ suất để tự ái bịp tai, che mắt mình thì bạn khó nhận ra cái sai mà khôn ngoan sửa đổi.
“Đòn bẩy” cũng có luật
Bạn tạo ra động lực và động lực tạo ra luật riêng cho mình:
Luôn có một mục đích chính và từ đó phân nhánh ra các mục đích phụ và mục đích tí hon. Các thành quả mini sẽ giúp bạn bớt bị áp lực của một cái “vĩ đại và quan trọng” đè lên và làm…tắt thở. Tích cóp các thành công mini sẽ được một thành công to tướng. Nhưng đã làm thì phải làm cho xong. Hoàn thành việc A thì mới xắn tay áo làm việc B. Nếu không thì cái bạn thu được sẽ là một mớ thành quả mini dở dang. Như trường hợp của Hoài P. (22t, sinh viên HV.QHQT), anh bạn này ấp ủ mơ ước xuất bản sách vào năm 20 tuổi và có sẵn một đống đề tài. Nhưng đã ba năm nay mà chưa một bản thảo nào được gửi chào hàng vì anh chàng bận viết bốn cuốn cùng lúc và chưa cuốn nào hoàn thành được một nửa.
Kết bạn: Bạn có thể có một cái đầu tuyệt vời. Nhưng để bảo toàn năng lượng và sức khỏe cho mình, bạn nên tìm những người bạn để cùng hoàn thành khối lượng công việc của 10 người. Ngoài ra, tiếp xúc với những người có khát khao như mình sẽ giúp bạn thêm động lực để đạt được mục đích. Nhiều bạn cũng là có thêm nhiều nguồn học hỏi.
Kết hợp hài hòa giữa khả năng và sở thích: Thông thường thì chúng ta có chuỗi: Năng khiếu tạo sở thích - Sở thích tạo mục tiêu - Mục tiêu tạo động lực - Động lực tiếp tục tạo nên sự kiên trì. Tất cả sẽ giúp bạn chạm tay vào thành công. Tuy nhiên, bạn có thể học hỏi một chút từ chuyện của Ngọc Trang (20t, du học sinh): Cô nàng ấp ủ ước mơ thành bác sĩ từ ngày còn kết dính với bộ đồ chơi ống nghe, kim tiêm bằng nhựa. Nàng thi đậu Y nhưng cuối cùng lại đi theo ngành Kinh Tế. Trang đã nhận ra rằng mình có năng khiếu kinh doanh và có thể thành công trong việc này. Nếu theo ngành Y đúng sở thích, Trang chưa chắc thành công hay thậm chí là có thể tốt nghiệp trường Y vì cô bạn sợ máu, thiếu kiên nhẫn nhất là nóng tính, ghét nghe người khác kêu ca. Làm bác sĩ mà nổi quạu khi bệnh nhân kêu ca vì đau thì thất bại hiển nhiên rồi! Thế đấy, đôi khi khả năng và sở thích không ăn rơ nhau và bạn phải tỉnh táo để nhận ra cái nào mới đáng để theo đuổi.
Học cách thua. Ai cũng muốn thành công, nhưng kho báu thì chỉ có một. Hãy nhìn thất bại với con mắt lạc quan và biến chúng thành động lực giúp bạn bền bỉ hơn, thay vì để chúng thiêu trụi tất cả khát vọng.
6 lực con tiếp sức cho Động lực
1. Công cuộc F5 bắt đầu từ các neuron:
Tiềm thức có khả năng kích thích lòng tự tin của bạn rằng mình có thể thành công. Và nó rất biết nghe lời. Nếu bạn bảo mình sẽ thắng thì sớm muộn bạn sẽ thắng. Nếu bạn thích lầm bầm rằng “Mình sẽ không làm nổi đâu” thì nhất định tiềm thức sẽ giúp bạn…thất bại luôn. Hãy F5 suy nghĩ bằng những câu từ có sức sống hơn:
- Thi chẳng qua chỉ là ghi lại những gì mình đã học rất thuộc vào một tờ giấy và sau đó nộp cho giám thị.
- Tôi sẽ thư giãn, nghỉ ngơi, hết stress và lại làm việc thật hăng say!
- Cơ hội không thiếu. Và mình sẽ tìm thấy nó, thậm chí là rất nhiều.
…
2. Không dùng những từ ngữ ủ rũ, buồn bã:
Có tới 75% những cuộc trò chuyện hằng ngày mang sắc thái tiêu cực. Hãy nghĩ theo hướng này: Cuộc sống đã quăng cho bạn đủ thứ buồn bã và rắc rối rồi, bạn nên sử dụng những từ ngữ yêu đời hơn để có thể khiến mình vui lên. Ngay cả khi giao tiếp bằng những ngôn ngữ cơ thể, hãy cố gắng dùng những cử chỉ tích cực, hãy cười thay vì cứ nhăn mặt chau mày nhé! Bạn cũng nên biến hóa từ điển một chút:
- Thay “vấn đề”, “rắc rối” bằng “cơ hội”. Có thể một việc nào đó chỉ đem lại cho bạn khó khăn. Nhưng bù lại chúng cũng cho bạn kiến thức, ít nhất là để không lúng túng khi gặp phải trường hợp tương tự.
- Làm gì có “Thua thiệt”, chỉ có “kinh nghiệm” rất đáng giá mà thôi.
- “Tôi bị, tôi phải” thành “tôi chọn, tôi được”. Có thể bạn phải thi thật đấy, nhưng bạn đã chọn cách học ôn mà không xem phim truyền hình cơ mà.
Thay từ “hô hào suông” bằng “làm ngay” hãy áp dụng những từ ngữ tươi đẹp hơn vào mỗi ngày của bạn ngay sau khi đọc xong bài viết này nhé. Bạn cần phải thực sự kiểm soát cuộc sống của mình. Đơn vị của cuộc sống chính là hành động và cách suy nghĩ đấy.
3. Mệt mỏi ư? Tập thể dục!
Một cuộc khảo sát của trang web Gallup với những người thường xuyên dành 15 phút thể dục mỗi lần, 2 — 3 lần/ tuần cho thấy:
- 66% cảm thấy cuộc sống dễ chịu hơn là khi chỉ lao động trí óc
- 55% giảm hẳn stress
- 51% hài lòng hơn về ngoại hình
- 46% thấy tự tin và yêu đời hơn trước
4. Đừng chết thối trong vỏ ốc!
Nếu là một con ốc núp mãi trong vỏ, bạn sẽ chẳng bị sứt mẻ một milimét nào. Nhưng điều đó làm bạn mất dần khả năng thích nghi với cuộc sống. Trước khi tự biến mình thành một con ốc thối, hãy can đảm thử nghiệm những điều bạn luôn tò mò (một kiểu tóc mới, một môn học mới, mỉm cười với anh chàng bạn thích từ lâu…) Bạn có thể chỉ nhận được một số 0 to béo đầy khiêu khích từ những cuộc thử nghiệm, nhưng có nhận được vẫn còn hơn chẳng nhận được gì cả. Khi bạn đã bắt đầu quen với sự tự quăng quật mình vào cuộc sống, bạn sẽ độc lập và bắt đầu khao khát đạt được một cái gì đó cho mình và đây là lúc Động lực xuất hiện.
5. Đọc nhiều hơn:
Đọc sách, đọc báo, đọc trên internet, thậm chí là đọc bao bì của một bịch kẹo cũng giúp bạn rất nhiều (bạn sẽ biết kẹo mình ăn có chứa bao nhiêu phần trăm đường hóa học...). Nhưng hạn chế đọc những câu chuyện về những người nổi tiếng thích khoe khoang. Thứ nhất, bạn sẽ phát ngán ngay vì cả ngày họ chẳng làm gì ngoài tiêu tiền và đánh bóng tên tuổi. Thứ hai, ngước mắt ngắm những “ngôi sao” to đùng sẽ làm bạn mất thời gian để tâm đến những mục đích của mình. Hãy đọc những cuốn sách bổ sung sức mạnh cho chiếc đòn bẩy Động lực của bạn nhé.
Gợi ý: Ai đã lấy miếng pho-mát của tôi (Who moved my cheese), Vị giám đốc một phút (One minute manager), Không bao giờ là thất bại - Tất cả chỉ là thử thách (Hồi ký chủ tịch tập đoàn Hyundai), hay các cuốn tiểu sử các CEO, các chính trị gia là những bài học kinh nghiệm rất hay!
6. Giúp đỡ người khác
Giúp đỡ là một vòng tròn. Khi bạn đưa tay cho một người, thì sẽ có một người khác đưa tay ra cho bạn khi bạn gặp khó khăn. Bạn không thể đa năng tới mức làm được 100% tất cả mọi việc trên đời. Khi bạn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, cũng sẽ có những người khác sẵn sàng phụ bạn hoàn thành việc của mình.
Cảm giác được làm người hữu ích khiến bạn phấn chấn. Quan trọng hơn, giúp đỡ dạy bạn biết yêu thương. Lòng yêu thương sẽ giúp bạn có thêm động lực để thành công. Vì bạn sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm phải thành công để có thêm điều kiện giúp đỡ cho nhiều người.