Hãy Nói "Tôi Không Thể"

07:09AM 26/11/2011, Góc tâm hồn

Sau một thời gian dài chuẩn bị tâm lý, tuần trước ông anh trai lớn trong nhà đã theo “chị dâu” về ra mắt “nhạc phụ, nhạc mẫu”.

Ấy là dịp nhà bên kia tổ chức vài mâm cỗ nhỏ xinh liên hoan mừng bác trai thăng chức. Anh được mời chào đon đả, người nhà nhiệt tình tiếp đón. Khi thấy anh vui vẻ trở về nhà, huýt sáo líu lo, cả nhà ai cũng mừng vì mọi chuyện suôn sẻ. Đêm đó, anh gọi cả nhà thức giấc. Anh khó thở. Cảm giác khó chịu xen lẫn đau đớn lộ rõ trên gương mặt. Bố mẹ vội vàng gọi bác sĩ gần nhà. Mọi chuyện không thực sự nghiêm trọng. Là dấu hiệu thường thấy khi anh ăn đồ hải sản. Ai nấy nhìn nhau ngạc nhiên. Chẳng phải anh đã kiêng đồ hải sản từ lâu lắm rồi sao? Sau khi được khám và cho uống thuốc, anh gãi đầu gãi tai : “Hôm nay con đi ăn cỗ, các bác các chú bên ý mời nhiệt tình quá. Con mà từ chối, họ lại nghĩ con làm khách...” Bố mẹ nhìn nhau lắc đầu, thương anh, không nỡ mắng.

Cậu bạn cùng phòng với tôi tốt bụng đến lạ thường. Ai nhờ chi cũng hăng hái nhiệt tình. Có lần đang sửa soạn đầu tóc để tới trường đón bạn gái đi hẹn hò, chị hàng xóm ngó đầu sang nhờ đưa đi đâu đó có việc, cậu vội vã gật đầu mà quên mất lịch hẹn. Lần khác, cô em học cùng trường cấp 3, trọ cùng nhà, nhưng ở tầng trên, nói vọng xuống nhờ cậu mang tài liệu đi in giúp, vì cô em ấy đang bận ... trang điểm đi gặp người yêu, anh chàng này cũng đồng ý không do dự. Bữa đó, cậu để bạn gái chờ dài cổ ở chỗ hẹn, bị giận đến gần một tuần trời. Những người khác thấy cậu dễ tính liền ... được đà lấn tới, nhờ vả từ những việc nhỏ nhất. Tôi ngạc nhiên hỏi, “Suốt ngày than không có thời gian đi chơi với bạn gái mà sao lắm thời gian đi giúp người thế mày?”. Thằng bạn gãi đầu gãi tai “ Lúc ấy cũng rảnh, biết từ chối sao”.

Cô bạn thân của tôi làm nhóm trưởng của rất nhiều nhóm nhỏ trong các môn học khác nhau. Cô gần như không có thời gian rảnh rỗi. Những bài tập lẽ ra là công việc của cả nhóm, nay đổ dồn lên vai một vài người, nặng nhất nơi cô bạn. Tôi chẳng phải một thằng lười nhác, nhưng thói quen làm việc đúng phận sự và hoàn thành tốt phần việc của mình khiến tôi cảm thấy bất bình thay cho cô bạn luôn phải ôm đồm công việc của người khác. Sự cả nể và thông cảm cho bạn bè của cô bạn đã bị những người khác lợi dụng khi dùng những lý do như bận học, bận làm thêm, bận việc gia đình, không hiểu rõ bài... để trốn tránh trách nhiệm làm việc nhóm. Giúp đỡ bạn bè là điều nên làm, nhưng liệu họ có hiểu được những khi bạn mệt mỏi đến kiệt sức vì một người phải gồng gánh sự lười nhác và ỉ lại của rất nhiều người không?

Đợt này trường tôi đang tổ chức cho sinh viên đăng kí lịch học cho học kì 1.5. Sợ hãi lịch thi dày đặc nên tôi từ chối tham gia kì học bổ sung này. Cô bạn lớp trưởng gọi điện nhờ tôi đăng kí giúp. Tôi tò mò hỏi đang bận chuyện gì sao. Cô bạn thở dài, cô bạn ấy có cửa hàng bán mỹ phẩm, vừa nhờ vừa ép cô bạn ra trông hàng giúp dài hạn, vì không tin tưởng giao cửa hàng cho người lạ. Những ngày này, kết thúc ca học ở trường, cô bạn lại vội vàng ăn cơm rồi ra trông hàng và trở về nhà rất muộn, chẳng kịp ngó qua bài vở thì giấc ngủ đã kéo đến. Tôi nhắn tin đề nghị mọi người họp online để bàn kế hoạch làm bài tập nhóm, riêng cô bạn vắng mặt, vì quán không có wifi và vì chẳng thể về nhà vào giờ ấy.

Trước đọc báo thấy người ta dạy trẻ con biết thay thế câu “tôi không thể” bằng câu “tôi có thể” để khẳng định khả năng của mình, để bắt đầu cho những cố gắng mới, để xua đuổi cảm giác tự ti đang xấm lấn bên trong mỗi người. Thế nhưng, người ta đã không nghĩ tới việc 3 chữ ngắn gọn “tôi có thể” sẽ nhấn chìm chúng ta trong rất nhiều rắc rối. Mong muốn là vô hạn, đặc biệt khi chúng ta khao khát giúp đỡ những người xung quanh mình, những người mình yêu thương. Chính điều đó đã khiến sự cả nể nảy sinh. Nhiều người không thể nói dứt khoát “tôi không thể” để từ chối những lời đề nghị giúp đỡ, để rồi đổ đầy chính bản thân họ là cảm giác mệt mỏi, là những tình huống khó xử thường xuyên lặp lại, là thói quen dựa dẫm của bạn bè, là sự nhờ vả “vô tội vạ” của những người xung quanh. Tôi không có ý nói bạn chớ nên giúp đỡ người khác. Ở một chừng mực nào đó trong những kĩ năng mà chúng ta nên được học, tôi tin rằng học cách nói “tôi không thể” cũng là một điều cần thiết. Sẽ không ai đánh giá bạn bằng việc bạn không giúp đỡ họ mọi lúc mọi nơi. Bởi bản năng của mỗi người là sinh tồn một cách độc lập. Không ai có thể là cây tầm gửi sống bám vào người khác. Vì thế, nếu có thể, hãy cứ để họ tự giải quyết vấn đề của mình, bạn nhé!


Theo MTO