Học Cách Làm "Nguội" Cơn Nóng Giận

18:35PM 26/06/2013, Khác

Giống như các cảm xúc khác, biểu lộ sự tức giận luôn đi kèm với các thay đổi về tâm lý và sinh học... không có nhiều lợi ích tích cực cho cơ thể. Làm thế nào để "hạ hỏa" được cơn thịnh nộ?

Tức giận là tình trạng cảm xúc có mức độ thay đổi từ kích thích nhẹ đến thịnh nộ dữ dội. Cách tự nhiên, bản năng để biểu lộ tức giận là phản ứng một cách nóng nảy khác thường, đáp ứng thích ứng bẩm sinh của con người trước những đe dọa nguy hiểm.

"Nếu cơn tức giận không được biểu lộ ra ngoài, âm ỉ trong lòng, bạn dễ nóng tính, cáu kỉnh, sức chịu đựng ngắn hạn, bạn có nguy cao cao mắc các bệnh liên quan đến chứng trầm cảm" chia sẻ của tiến sĩ Carol A. Bernstein – chuyên gia nghiên cứu tâm thần học trường Y Khoa NYU Langone tại New York.

Con người sử dụng nhiều cách thức khác nhau, cả có ý thức hay vô thức để đối phó với cảm giác giận dữ của họ. Khi không kiểm soát được cơn tức giận, hệ thần kinh trung ương sẽ kích hoạt một số thay đổi về mặt sinh học:
- Tăng một số hormone như adrenaline và noradrenaline (do tủy thượng thận tiết ra) hay hormone cortisol. Cortisol là loại hormone được tiết ra bởi vỏ tuyến thượng thận, có tác dụng điều hòa chuyển hóa đường glucose, cân bằng huyết áp, giải phóng insulin duy trì lượng đường trong máu, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể…
- Nhịp tim và mạch nhanh hơn do hậu quả tăng tiết hormone tủy thượng thận
- Huyết áp tăng lên do co mạch
- Người nóng lên, bắt đầu ra mồ hôi
- Đồng tử giãn ra và xuất hiện một số cơn nhức đầu

Bạn hãy tự trang bị thói quen "hạ hỏa" cơn tức giận hữu hiệu nhất để không "đốt cháy" công việc và cuộc sống của mình:

Đếm số (đến 10…hoặc 100)

Có một câu nói nổi tiếng của Thomas Jefferson: "Trước khi nói chuyện, nếu tức giận, bạn đếm đến 10, nếu cực kì tức giận, hãy đếm đến 100". Đếm số giúp con người điều hòa suy nghĩ, huyết áp và nhịp tim có thời gian để cân bằng trở lại và làm nguôi cơn tức giận để bạn không làm bất kì điều gì sai lầm.

Tha thứ

Nếu bạn không tha thứ cho người đã tạo ra sự tức giận thì bạn khó có thể quên đi cơn tức giận đó. Ôm, bắt tay, bắt đầu một cuộc nói chuyện thân thiện…đều tạo được hòa khí và giúp bạn tha thứ hay quên đi cơn giận dữ dễ dàng hơn.

Phân tán tư tưởng

Tiến sĩ Katherine Kueny, chuyên gia về nghiên cứu hành vi tại đại học Nebraska, Omaha cho biết: "Khi tập trung vào một công việc khác như vẽ, nấu ăn, đi bộ, giải câu đố hay trò chơi ô chữ Sudoku…cơ thể bạn sẽ thay đổi để hòa nhập, thích ứng và cơn tức giận từ đó bị phân tán".

Hít thở

Hít vào và thở ra thật sâu từ cơ hoành. Cơ hoành hoạt động phối hợp với các cơ ở bụng và cơ liên sườn. Thở sâu theo cách này trước hết phải tập động tác cơ bản là thóp bụng cho cơ hoành nâng lên để thở ra và phình bụng cho cơ hoành hạ xuống để hít vào. Điều này không chỉ cung cấp thêm oxy cho cơ thể mà tạo sự hưng phấn cho trung tâm hô hấp ở hành tủy, điều hòa hoạt động của hệ thần kinh, tăng cường tuần hoàn… Luyện tập Yoga cũng giúp điều hòa nhịp thở và làm dịu cơ thể trong cơn tức giận.

Đối mặt với cơn tức giận

Với những người có thói quen che đậy cảm xúc hoặc khó khăn trong việc bộc lộ, giải quyết cảm xúc tiêu cực, xu hướng chung họ sẽ tìm đến giải pháp thay thế như rượu, bia, chất kích thích, lạm dụng thuốc… - các chất đánh lừa trí óc bạn trong ngắn hạn và gây tác hại nguy hiểm với sức khỏe. Khi tức giận, bạn nên thừa nhận thẳng thắn, tạo một lối sống lành mạnh nhằm tránh xa các chất kích thích nguy hiểm.

Tạo hình cho cơn giận dữ bằng chữ

Một cách hữu hiệu để bạn cảm thấy giải tỏa cơn tức giận là hãy "tạo hình" cho nó ở trên giấy hoặc gõ note, blog trên máy tính. Viết ra mọi điều khiến bạn cảm thấy tức giận hoặc những điều làm bạn vui vẻ, kỉ niệm vui vẻ…sẽ "hạ hỏa" nhiều lần cơn thịnh nộ của bạn.

Nhưng bạn đừng bao giờ viết hoặc gởi email trong khi tức giận. Hãy lưu bức thư hoặc tâm sự của bạn trong hộp thư nháp trong 24h trước khi quyết định gởi nó. Những lời nói, suy nghĩ khi tức giận vô tình sẽ làm tổn thương người khác, và khó xóa mờ nếu như nó được viết bằng văn bản.

Hãy ở một mình

Trong một cuộc đối thoại và bạn nhận ra sự mâu thuẫn, tranh cãi sắp đạt đỉnh điểm thì cách tốt nhất hãy "di cư" hoặc yêu cầu bạn được ở một mình. Khi bạn một mình, bạn sẽ lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ thông suốt hơn và trên hết là không nói những điều khó kiểm soát trong cơn giận dữ.

Tập thể dục

Aerobic, đi bộ hoặc chạy bộ đều là những phương pháp tuyệt vời để xử lý cơn tức giận. Tiến sĩ Pauline Wallin, nhà tâm lý học tại trung tâm Camp Hill, Pennsylvania, đồng tác giả cuốn sách How to tame your Inner Brat (Cách kiểm soát cảm xúc bên trong của bạn) cho biết: "Tập thể dục là cách giải phóng các endorphins, hóa chất trong não để não và các dây thần kinh của bạn giảm áp lực quá tải, qua đó cơn tức giận cũng dịu đi".

Nhận sự trợ giúp

Nếu bạn vẫn chưa tìm được cách thích hợp để khống chế "lửa" trong cơn tức giận của mình thì có thể bạn đang bị các rối loạn cơ thể do căng thẳng, tổn thương tâm lí, trầm cảm hoặc một số vấn đề khác. Sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn và bác sĩ là cần thiết với bạn lúc này để điều chỉnh mọi thứ tốt hơn.


Theo baomoi.com