Điều Thiệt Thòi Của Sinh Viên "Gần Nhà"
08:58AM 08/09/2013, Khác
Sinh viên nhà gần trường sẽ có rất nhiều cái lợi: được gia đình chăm sóc, tiện di chuyển, có cuộc sống tiện nghi hơn. Nhưng bù lại, họ cũng có nhiều "nỗi niềm"...
Không tự lập được
Sinh viên "gần nhà" luôn cảm thấy ỷ lại vào gia đình. Vì khi về nhà đã có sẵn cơm để ăn, tivi để xem, phòng để ngủ. Cuộc sống đầy đủ khiến đời sinh viên của họ hơi "thiếu thốn" so với mọi người. Bởi vì họ không thấu hiểu được cảm giác nhớ nhà ra sao, yêu quê hương thế nào, và yêu thương gia đình mình đến mức nào. Sinh viên xa nhà thì hiểu rất rõ điều đó. Ngoài ra, sinh viên "gần nhà" có thể không biết nấu ăn, không tự giặt giũ và lười biếng dọn dẹp. Dần dà họ trở nên "tiểu thư", "công tử" quá mức, nên lạc lõng so với bạn bè.
Tình bạn rời rạc
Khi ở kí túc xá hoặc ở trọ, sinh viên sẽ ở chung với bạn cùng phòng và sự gắn kết sẽ trở nên chặt chẽ. Cả hai sẽ cùng chia sẻ cho nhau về việc học trên trường, tiền điện tháng này, ngày mai ăn gì, và chuyện tình yêu tiến triển ra sao. Sinh viên "gần nhà" thì chỉ chơi với bạn thời cấp 3, hoặc bạn thân lâu năm. Nhưng càng lớn thì những người bạn này cũng có nhiều mối quan tâm riêng. Nên sinh viên "gần nhà" sẽ tự thu mình lại, chủ yếu ở nhà online, xem tivi và than vãn vì không biết cuối tuần nên đi chơi với ai.
Thiếu động lực học
Sinh viên xa nhà luôn cảm thấy bản thân cần phải học nhiều hơn. Bởi vì một cuộc điện thoại từ mẹ hoặc một tin nhắn hỏi thăm từ ba cũng có thể khiến họ cảm động và trăn trở. Hoặc khi chuẩn bị đi ngủ nhưng thấy bạn cùng phòng đang mở đèn sáng trưng để học, họ cũng sẽ "chột dạ" và cố gắng học để theo kịp bạn bè. Khi sinh viên ở cùng nhau, sự lười biếng sẽ giảm đi vì họ luôn có việc để làm, họ nhìn vào nhau để cố gắng. Sinh viên "gần nhà" thì khác. Họ chỉ ở nhà cùng gia đình nên không có động lực học, không biết nhìn vào ai để phấn đấu, và vì vậy họ dễ bị "cám dỗ" hơn, lười hơn.
Tiêu xài hoang phí
Chỉ là sinh viên xa nhà mới hiểu được cảm giác phải đóng tiền nhà trọ vào đầu mỗi tháng, hết tiền vào giữa tháng và "rỗng túi" khi chưa tới cuối tháng. Họ sẽ phải chắt chiu, tiết kiệm và nghĩ xem, liệu mua món này có đáng không, ăn gì thì hợp túi tiền, ở trọ đâu thì rẻ… Vì túng thiếu nên họ có động lực kiếm tiền hơn, biết để dành và lo xa hơn. Họ trở nên độc lập và biết dấn thân, biết trải nghiệm (bằng cách đi làm part-time). Sinh viên "gần nhà" thường không phải lo chỗ ở, càng không tốn tiền ăn nên họ ít có thói quen tiết kiệm tiền, thậm chí luôn ỷ lại: "Hết thì xin ba mẹ là có ngay" nên sau này ra trường họ sẽ phải rất vất vả trong việc quản lí chi tiêu và khó tiến xa nếu không chịu cố gắng.
Mất tự do
Khi bạn trọ học xa nhà, bạn có thể đi chơi dài ngày với bạn bè, có thể đi sinh nhật về trễ, hoặc làm việc part-time liên tục trong tuần. Khi bạn ở gần gia đình, tình thế sẽ khác. Bạn đã là sinh viên nhưng vẫn bị quản, vẫn bị la khi về trễ. Bạn không được đi chơi qua đêm, và các chuyến du lịch dài ngày phải trình báo kĩ lưỡng lộ trình cho ba mẹ. Khi bạn muốn làm việc part-time thì gia đình cũng sẽ ngăn cản hoặc tỏ ý không thích, vì họ không muốn bạn cực khổ. Với họ, bạn vẫn còn trẻ con. Liệu bạn có muốn mãi dựa dẫm vào gia đình như thế?
Mỗi người một hoàn cảnh riêng, đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh để dễ dãi với chính mình. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu, vấn đề ở đây là hãy tận dụng những ưu điểm của mình để tỏa sáng. Chúc bạn thành công.