Những Đồng Xu Của Bà Ngoại

23:56PM 07/03/2011, Khác

Tôi bị phỏng rất nặng chỉ vì một tia lửa bắn ra từ lò sưởi, bén vào vạt áo và liếm gọn cả phần sau chân trái của tôi. Lúc đó, tôi còn ngửi được mùi thịt của mình bị thui cháy trong không khí. 

Tại bệnh viện, bác sĩ cho biết tôi bị phỏng ở độ ba và toàn bộ các mô ở phần sau chân trái đã bị tổn thương trên diện rộng và rất sâu. Sau nhiều tháng chữa trị cho vết thương lành lại, các bác sĩ lại thực hiện phẫu thuật cắt một phần da ở mông để ghép xuống chân cho tôi. Đó là cuộc phẫu thuật đau đớn nhất mà tôi phải chịu đựng. Vậy mà bác sĩ vẫn nói sau khi lành lại, chân trái của tôi sẽ có tật do vết thương quá nặng và có lẽ cô bé sẽ đi khập khiễng suốt đời”, nghe xong mẹ tôi chỉ biết khóc.

Quá trình lành lại cũng đau đớn vô cùng. Chỉ cần nhúc nhích là tôi đau khủng khiếp chứ đừng nói chi đến chuyện tập đi trở lại. Giới hạn chịu đau của tôi chỉ được đến đó. Suốt ngày tôi nằm dài trên giường tránh tất cả mọi cử động làm đau đến cái chân của mình. Bất cứ cử động nào cũng là một cực hình, và thế là nhờ vậy mà tôi trở thành một ‘kỷ lục gia’ trong việc giữ yên tư thế không nhúc nhích trong một khoảng thời gian dài. 

Bà ngoại tôi sống trong thành phố mỗi ngày đều lái xe đến nhà chúng tôi ở nông thôn để thăm tôi, đến tối lại quay trở về nhà, không lỡ một ngày. Bà tôi nghèo lắm, phải sống nhờ vào số tiền trợ cấp ít ỏi từ chính phủ. Phải nói là bà thực sự rất nghèo, chuyện này mãi về sau tôi mới biết. Vậy mà bà vẫn xoay sở để mỗi ngày đều đến thăm tôi. 

Bà chưa bao giờ chấp nhận việc ý nghĩ là tôi sẽ đi khập khiễng hoặc bị dị tật ở chân. Bà có một niềm tin mãnh liệt và muốn truyền nó cho tôi bằng cách động viên, dỗ dành tôi chịu khó tập luyện. Tôi rất yêu quý bà và chỉ muốn làm bà hài lòngvVậy là tôi nhấc chân lên mà nước mắt tuôn ào ạt, cố gắng cầm cự cơn đau đớn. Ngày lại ngày bà đến đều đặn như một chiếc đồng hồ. Cho đến một hôm tôi không thể nào chịu đau thêm được nữa dù chỉ là để làm bà vui. Tôi không muốn bước thêm một bước nào nữa, chấm hết. 

Một ngày nọ, sau nhiều ngày tôi cứ một mực khăng khăng không chịu nhúc nhích, bà đến thăm với rất nhiều đồng tiền hai mươi lăm xu. Không phải một ít, cũng không phải một nắm tay đầy, mà là một đống tiền to thật là to. Thời bấy giờ, hai mươi lăm xu là một số tiền khá lớn đối với một đứa trẻ như tôi. Bà mặc một chiếc áo đầm rộng thùng thình và để tất cả những đồng xu lấp lánh đó ở trong lòng và ngồi ngay cạnh tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một số tiền nhiều đến như vậy và điều đó làm cho tôi thấy phấn khởi. Bà nói: “Nếu cháu đứng lên bà sẽ cho cháu một đồng”. Quá thích thú, tôi đứng dậy chẳng thèm đếm xỉa gì đến cơn đau. Bà nở nụ cười thật to và đặt một đồng vào bàn tay tôi. Tôi vội ngồi xuống ngay vì chân đau nhói. Bà nhìn vào mắt tôi và nói: “Còn rất nhiều tiền, cháu tiếp chứ, cháu yêu”. 

Tôi lại đứng lên và lại nhận được một đồng. Chuyện đó cứ xảy ra liên tiếp nhiều tháng sau đó. Bà rất tin tưởng và luôn quả quyết rằng tôi sẽ không bao giờ đi khập khiễng và chân tôi sẽ không có bất cứ dị tật nào. Một hôm, tôi hỏi bà: “Nếu lỡ bà hết tiền thì sao?”. 

Bà trả lời: “Đừng lo lắng chuyện bà hết tiền cưng ạ. Cháu cần bao nhiêu bà cũng có”. 

Một năm sau ngày bị phỏng, tôi đã có thể bước đi một cách bình thường. Không bị tật, không khập khiễng. Bác sĩ nói: “Tôi đã chữa không biết bao nhiêu ca phỏng, nhưng chưa có ai được lành lặn tốt như thế này”. Món quà của bà dành cho tôi thật quá lớn. Không phải chỉ đến khi bà qua đời và tôi đã trưởng thành hơn tôi mới nhận ra điều này. Mẹ tôi từng nói: “Bà con không chịu được ý nghĩ cháu mình sẽ bị tật nên bà đã buộc cái chân phải theo ý bà”. 

“Và bà đã buộc con phải bước đi”, tôi nói. Rồi tôi hỏi mẹ điều mình thắc mắc từ lâu: “Ở đâu bà có nhiều tiền vậy mẹ?”. Mẹ đáp: “Mẹ nghĩ bà phải dè sẻn rất nhiều”. 

Vậy mà tôi chưa bao giờ bận tâm đến chuyện đó. Chỉ cho đến lúc đó tôi mới nhận ra tình yêu thương bao la mà bà đã dành cho tôi. Món quà mà hàng ngày tôi nhận được chính là sự hy sinh của bà, là niềm tin mà bà gói ghém tất cả vào trong những đồng xu bằng bạc đó.


Theo Hạt giống tâm hồn