Quan Tâm Thế Nào Là Đủ?

23:32PM 07/01/2011, Khác

Nếu quan tâm quá mức sẽ khiến người ấy chán, còn không quan tâm nhiều (vì muốn người ta được tự do) thì biết đâu bị nói là vô tâm…

Vậy, phải thể hiện thế nào để “nửa kia” biết rằng bạn rất lo lắng cho họ, nhưng đồng thời không khiến họ cảm thấy “ngạt” vì sự nhiệt tình? Những gợi ý sau đây sẽ giúp bạn.

Phải biết kiên nhẫn

Sự thiếu kiên nhẫn dễ dẫn đến những hành động vụng về, đồng thời khiến bạn quan tâm mất kiểm soát, dễ khiến người ấy chán, vì “chẳng có gì nghiêm trọng cũng làm quá lên”.

Việc liên lạc qua điện thoại là một điển hình. Chẳng hạn như khi nhắn tin, nếu đợi lâu quá không thấy người ấy trả lời lại, thay vì tiếp tục spam vài tin nhắn và hàng chục cuộc gọi nhỡ, bạn chỉ việc nhắn thêm một tin sau khi đã đợi khá lâu (vài giờ đồng hồ).

Nếu có việc gì đó quan trọng cần sự giúp đỡ của bạn, người ấy sẽ chủ động liên lạc. Bạn không nên tưởng tượng quá nhiều và chủ động quá mức, điều này sẽ khiến người ta cảm thấy khó chịu và…không muốn được quan tâm nữa. Trong giai đoạn đầu “cưa cẩm”, nếu thấy người ta không trả lời lại, đừng vội phán xét hoặc bỏ cuộc, mà hãy chờ đợi thêm vài ngày, sau đó tiếp tục liên lạc. Sự giãn cách thời gian sẽ tạo cho người ấy một không gian thoải mái nhất định. Hơn nữa, sự kiên nhẫn của bạn đôi khi mang lại tác dụng tích cực đấy. Phải biết làm lơ một chút thì mới khiến đối phương “trăn trở”.

“Gặp mặt nhau thì tất nhiên phải quan tâm, hỏi han này nọ. Nhưng khi không bên cạnh mà cứ liên tục nhắn tin, gọi điện thì cũng nhàm chán lắm. Mình muốn sự quan tâm được thể hiện đúng lúc, đúng thời điểm, chỉ khi nào thật sự cần thì mới nên quan tâm thôi”, Ý Nhi (lớp 12 trường N) bày tỏ.

Đừng dùng lời nói quá nhiều

Sự quan tâm chỉ trở nên chân thành khi bạn thể hiện bằng cử chỉ, thái độ và hành động. Còn quan tâm lời nói thì bất kì ai cũng có thể thực hiện. Nên tránh nói những câu như: “Tớ nhớ cậu quá” (nếu bảo “nhớ” mà không chịu chủ động gặp mặt thì lời nói trở nên vô nghĩa), “Đang làm gì? Ở đâu? Với ai?” (kiểm soát quá đáng), “Sáng giờ liên lạc không được, tớ lo cực kì đấy biết không?” (Thay vì nói câu này, hãy thể hiện sự lo lắng bằng việc lắng nghe và hỏi han xem người ấy đã làm gì trong khoảng thời gian trước đó), “Khỏe không? Hết bệnh chưa? Nhớ uống thuốc, giữ gìn sức khỏe” (Sao bạn lại không đến thăm người ấy thay vì nói nhỉ?)

Sự quan tâm chỉ có giá trị khi bạn thể hiện trong sự im lặng. Con gái thường yêu bằng tai, nhưng để có cảm tình lâu dài với một người thì các nàng thường dựa trên cách người ấy quan tâm để đánh giá đấy

Hạn chế liên lạc với tần suất dày đặc

Một vài bạn sợ rằng nếu không quan tâm thì người đó sẽ quên đi sự có mặt của mình hoặc không thèm quan tâm lại… Vì vậy, cứ thấy người ta không liên lạc là chủ động bắt chuyện, không cần biết người ta có bận hay không. Hay cứ cảm thấy nhớ là nhắn tin, là gọi điện, là online để kiểm tra trạng thái của người ấy. Có nhất thiết phải như vậy khi bạn và người ta còn vô số kế hoạch khác trong cuộc sống? Tần suất bên cạnh nhau quá nhiều sẽ khiến cả hai đều “ngạt” và đó là cách nhanh nhất để giết chết tình cảm từ từ…

Khá nhiều bạn khi được hỏi đều khẳng định rằng họ không thích nửa kia của mình kiểm soát quá chặt. Sự quan tâm nhiệt tình cho thấy tình cảm bạn dành cho người ấy là chân thật, nhưng phải biết quan tâm khi người ấy thật sự muốn, quan tâm không đúng lúc chỉ khiến cả hai thêm mâu thuẫn mà thôi…

Hiểu tâm lý “nửa ấy”

Khi quan tâm, bạn còn phải xem xét thái độ và cách đón nhận sự quan tâm ấy để có cách cư xử phù hợp. Nếu người ấy tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc, hay nhiệt tình đáp lại sự quan tâm…thì bạn hãy tiếp tục phát huy (chú ý “phát huy” chứ không phải “lạm dụng”). Còn khi người ấy có vẻ không hài lòng lắm, hoặc tỏ thái độ hời hợt và có ý muốn bạn không nên can thiệp quá nhiều vào cuộc sống riêng của người ta, thì hãy ngừng quan tâm. Không nên tự làm theo ý mình vì chưa chắc người ấy muốn thế.

Vài lưu ý khác

- Không nên đòi hỏi sự quan tâm từ “nửa kia” vì điều này chẳng khác nào bạn quan tâm người ta chỉ để được người ta quan tâm lại… Đôi khi chỉ cần “cho đi” là đã thấy hạnh phúc rồi. Nếu người ta không đón nhận thì người ta đã lỡ đánh mất những điều vô giá, nếu người ta không quan tâm bạn, thì đừng vội kết luận điều gì. Chỉ khi nào trong những tình huống phức tạp, sự thật mới được bộc lộ. Vậy nên đừng suy nghĩ quá nhiều rồi lo buồn.

- Khi người ta tâm sự hay chia sẻ với bạn chuyện gì đó, nghĩa là người ta mong nhận được sự quan tâm. Nên tinh tế hơn trong những trường hợp này để tìm cơ hội “ghi điểm”.

- Sẽ có đôi lúc, bạn không thể “lý trí” đến mức biết sự quan tâm thế nào là đủ. Trong tình cảm, nếu đã thật sự hiểu về nhau thì không nên gượng ép làm gì. Bất cứ lúc nào muốn quan tâm người ta, hãy thể hiện điều đó. Đảm bảo rằng sẽ không có chuyện người ấy khước từ hay cảm thấy nhàm chán, bởi vì hai bạn đã là một cặp ăn ý rồi.



Theo Twinkle® (MTO)