Ba Tôi Làm Bảo Vệ

07:42AM 06/02/2012, Khác

Ngày trước, nhà tôi còn nghèo lắm. Mẹ tôi phải vừa đi dạy 2 buổi vừa kinh doanh bán cá giống để có thêm thu nhập.

Ba tôi không phải là người có địa vị và học thức như những người ba khác, ba chỉ là ông nông dân già, làm bảo vệ cho bệnh viện gần nhà nhưng lúc nào tôi cũng tự hào về ông cả.

Ngày trước, nhà tôi còn nghèo lắm. Mẹ tôi phải vừa đi dạy 2 buổi vừa kinh doanh bán cá giống để có thêm thu nhập. Các chị tôi cũng vậy, cũng phụ tiếp gia đình nên chưa có buổi học ở nhà nào trọn vẹn, bởi chỉ cần có người đến mua là các chị phải lội xuống ao, vớt cá, bỏ bao, bơm ôxi. Còn ba tôi thì không cần phải nói, ông làm nhiều việc mà toàn là việc vất cả, ông trồng xoài, mần lúa, theo xe tải chở cá về bán.… Lúc đó, còn nhỏ nên tôi là người sung sướng nhất, chẳng phải làm việc gì và cũng là người duy nhất “không bị nước ăn chân”, chứ cả nhà đều bị vì lội ao quá nhiều, đêm nào cũng phải sứt Maika vào kẻ chân để trị cả.

Sau này thấy ba tôi cực nhọc quá nên mẹ khuyên đi làm bảo vệ cho bệnh viện, lương tuy ít nhưng đỡ phải nắng nôi, ảnh hưởng sức khỏe. Ba đồng ý. Nghe tin này xong, các chú bác trong dòng họ ai cũng quở, trách mẹ tôi khi khuyên ba như thế vì công việc này không được xem trọng lắm. Mẹ tôi không giải thích, chỉ im lặng. Tôi thì ngây thơ, không suy nghĩ nhiều, nghe mọi người bảo ba tôi làm trong bệnh viện là tôi mừng rơn vì tưởng ba là bác sĩ, toàn nói với mấy đứa bạn hàng xóm là “ba tao là bác sĩ”. Mỗi ngày tôi chạy xe đạp nhỏ xíu, lon ton đem cơm trưa cho ba, được ba cho 1000đ, tôi thích lắm, nhiều lúc còn lén lén lấy nón bảo vệ của ba đội lên cho oai nữa. Ngồi trong phòng nhỏ nhỏ sát cổng bệnh viện, tôi hay nói chuyện với ba, hỏi ba tùm lum hết: - “Ba! Con sinh ra ở đâu?”, ba chọc tôi bảo: - “Ba lụm con ở bụi chuối gần nhà” - “Hông dám, mẹ bảo mẹ đang tiếp làm đám giỗ ông nội thì đau bụng, sinh con ở bệnh viện này nè” - “Mẹ con nói dóc con đó, ba đi mần lúa, đi ngang bụi chuối, thấy con ai bỏ kiến bu nên lụm về, không tin con về hỏi mẹ đi”, tôi tưởng thiệt, mếu máo chạy về nhà hỏi mẹ làm mọi người ai cũng cười bể bụng, tôi mới biết mình bị ba đùa.


Ba tôi vừa làm bảo vệ, kiêm luôn giữ xe cho bệnh viện, hễ gặp người quen là ba chẳng bao giờ lấy tiền giữ, tính ba lại hiền lành, ít khi cau có nên ai cũng quý cũng thương. Nhiều lúc người nhà bệnh nhân nghèo không có tiền đi xe, nhằm ngay tan ca nên ba đề nghị chở giúp họ về nhà, còn người giàu, thấy ba nhiệt tình, có gửi chút tiền nhưng ba không nhận…

Rồi đến một ngày tôi lớn hơn, cô giáo kêu tôi về nhà viết sơ yếu lí lịch, lúc viết đến nghề nghiệp của ba, tôi hỏi mẹ, mẹ bảo ghi: Bảo vệ. Tôi thắc mắc: Tại sao lại là “bảo vệ”? Nhất quyết phải đợi ba về để hỏi mới được. Ba tôi trực 24/24 nên phải chờ đến sáng hôm sau tôi mới hỏi được: - “Ba! Tại sao nghề nghiệp ba lại là bảo vệ” - “Thì vì ba làm bảo vệ” - “Vậy ba đừng làm bảo vệ nữa, con không thích…” Lúc đó tôi thấy mắt ba cụp xuống, hồi lâu sau ba mới chậm rãi trả lời: “Không làm lấy tiền đâu nuôi con ăn học”. Tôi vẫn không thôi, vào phòng sửa chỗ nghề nghiệp của ba trong tờ sơ yếu lý lịch thành “làm ruộng” rồi tự nói trong bụng: Ba cũng có mần lúa mà… Bây giờ nghĩ lại, tôi hối hận nhiều lắm! Tại sao tôi lúc đó tôi đã “già cái đầu” rồi mà không biết nhìn vào hoàn cảnh gia đình để thương ba nhiều hơn, chỉ lo sĩ diện của con bé 10 tuổi, khiến ba buồn mẹ cũng chẳng vui.

Tôi bị quai bị, tôi không lại bệnh viện mà kêu ba chở lên chỗ ông thầy thuốc nào đó ở chợ Cao Lãnh, ông ấy vẽ bùa gì đó đen đen khắp cạnh hàm tôi. Tưởng là sẽ mau khỏi, ai ngờ chiều hôm đó tôi phải nhập viện vì quại bị bội nhiễm, nó sưng to hơn người bị bình thường. Vào bệnh viện, ai cũng hỏi: “Con chú Lãnh bảo vệ đây hả?” (Lãnh là tên ba tôi) rồi nhận được những nụ cười và ánh nhìn thiện cảm từ mọi người, hóa ra tính tình ba hiền lành và tốt quá nên ai cũng coi trọng, làm con như tôi cũng được thơm lây. Một tuần ở bệnh viện, tôi được chăm sóc chu đáo, ba tôi đi làm mà cứ qua ghé thăm tôi suốt. Từ lúc đó về sau, tôi đã không ngại chuyện của ba nữa, tôi nhắc nhiều đến ba như một niềm tự hào của riêng tôi vậy…

Lớp 12, nhà tôi có khá khẩm hơn, người ta học bù đầu bù cổ còn tôi thì lại nhởn nhơ, chơi nhiều hơn học. Không phải vì tôi học giỏi mà là tôi biết chắc mình sẽ rớt nên không còn muốn học. Mẹ tôi bắt tôi học bao nhiêu là tôi bức phá vòng kiềm ấy ra bấy nhiêu. Ba thì lại không nói gì, không làm gì nhưng tôi lại sợ như thế. Một ngày nọ vì chán những “bài tụng” của mẹ và 2 chị nên tôi tuyên bố là mọi người cứ mặc tôi, miễn sao tôi đậu là được rồi. Nói thì mạnh miệng vậy chứ tôi cũng không biết mình có làm được không… Tự nhiên tôi nhớ lại ngày xưa, ngày tô hủ tiếu có 5000đ mà nhà cũng không dám ăn, chỉ có mình tôi là được ăn, ba sợ tôi bị muỗi cắn nên mượn cây quạt của ông bán quán, vừa nhìn tôi ăn vừa quạt cho tôi. Nhớ ngày xưa tôi đòi uống nước ngọt mà chị hai không chịu mua nên tôi ngồi lì ở chợ, chị bực bỏ tôi ở đó đi về trước, lúc lâu sau ba không kịp mặc áo, lấy xe 50 cà tàng chạy ra rước tôi về,… rồi nhớ về những kỉ niệm của gia đình, những bữa cơm sum vầy, tuy nghèo, cơm canh ít nhưng ăn rất ngon và ấm cúng chứ không phải như bây giờ, vì cái lì lợm của tôi mà ai cũng đâm ra buồn bực. Tôi bắt đầu vào bàn học, dù đã là học kì 2 của lớp 12, thời gian mà người ta hay bảo là “muộn rồi”…

Kì thi cũng đã qua, các cô chú ở bệnh viện bắt đầu nói chuyện rôm rả về điểm số của con cái họ. Ba nóng lòng về nhà hỏi tôi, tôi im ru vì trường tôi đăng kí đến giờ vẫn chưa có kết quả mà hôm bữa tôi làm bài cũng không được. Cả nhà cùng chờ mà như ngồi trên đống lửa, tôi là niềm hi vọng duy nhất của gia đình, nếu không đậu chắc mọi người buồn lắm. Cuối cùng cũng biết điểm thi, tôi qua được điểm sàn nhưng chỉ hơn điểm chuẩn 0.5đ, tôi sợ tôi rớt, mặt mày buồn xo, đã dự tính đến chuyện xét NV2. May mắn thay, niềm vui nhất của gia đình tôi đã đến, tôi đậu vào ĐH KHXH và NV - Tp.HCM. Ai cũng mừng mừng tủi tủi, làm ngay một cái tiệc. Hôm đó, ba tôi uống nhiều không tưởng, miệng thì cười tươi rói, mẹ cũng vậy. Đi đâu mọi người đều bảo “con ông Lãnh bảo vệ đậu đại học nhé!” làm ba tự hào, hỉnh mũi.

Nếu ngày đó, tôi không nhận ra nghề nào cũng là nghề, miễn lương thiện thì đáng được tôn kính… Nếu ngày đó, tôi không nhớ về những tình yêu thương của gia đình, của ba dành cho tôi… Nếu ngày đó, tôi bỏ cuộc…. thì tôi sẽ không được như ngày hôm nay.

Mọi cố gắng đều được đền đáp xứng đáng. Từng khoảnh khắc ta đều nên quý trọng, phấn đấu hết mình cho học tập và công việc thì mới khiến người mình yêu thương vui lòng.

Cám ơn ba mẹ đã cho con khôn lớn thành người. Cám ơn ba đã bỏ qua miệng đời kiếm tiền nuôi con ăn học. Lên Sài Gòn học, bữa cơm gia đình thiếu vắng con nhưng ba đừng buồn vì nhớ con nhé, con sẽ cố gắng học thật nhiều món ăn để về quê nấu cho ba và mọi người ăn, để ba biết rằng con gái của ba đã lớn, đã có thể tự lập, lo cho cuộc sống của mình rồi. Con yêu ba!


Theo MTO