Nghề Nào Dễ Nhất

07:28AM 04/02/2012, Khác

“Dễ” nhất nghĩa là công việc không phải bỏ ra nhiều sức lao động chân tay và trí óc.

Tuy nhiên nghề ấy lại có nhiều tiền và ổn định nhất. Hãy cùng mình quay lại một chút về tuổi thơ của mình để theo cuộc hành trình tìm kiếm nghề nào là “dễ” nhất của mình nhé!

- Bắt đầu từ khi mình 5 tuổi nhé, khi đó mình đã nhận thức tương đối về thế giới xung quanh, và mình đã bắt đầu cuộc tìm kiếm, chọn lựa nghề nào “dễ” nhất. Lúc đó nếu bạn hỏi mình câu này, mình sẽ không ngập ngừng trả lời: “Nghề xé vé qua phà là dễ nhất”.

Trong con mắt của đứa bé con như mình, các cô, các chú ở bến phà chỉ việc nhận lấy vé của hành khách để xé và bỏ vào thùng là xong việc. Mình hí hửng với ý tưởng đó, và quyết tâm sau này chả thèm đi học nữa mà sẽ xin vô làm nghề xé vé, công việc dễ nhất mà không cần phải đi học ngày nào.

Vậy mà, sau nhiều lần qua phà, mình thấy các cô chú ấy ngồi một chỗ từ sáng đến chiều, hằng ngày có biết bao nhiêu xe cộ đi qua với bao nhiêu khói bụi, và bến phà thì chưa bao giờ sạch sẽ, công việc ấy tuy không tốn nhiều công sức nhưng nhàm chán vô cùng, giống như một đoạn trong phim hài Sác-lô khi ông được phân công một phân đoạn trong dây chuyền sản xuất tự động để đóng nút chai, ngày ngay qua ngày khác chỉ một công việc duy nhất nên đi tới đâu ông cũng quen tay với việc đóng nút chai, thật là bất tiện.

- Công việc thứ hai là thợ may quần áo, mình lại chắc nịch là như thế sau lần đầu tiên mẹ đưa mình đi may quần áo ở tiệm (ngày nhỏ mình toàn mặc đồ may sẵn thôi). Đây là công việc lấy công làm lời, người thợ chỉ việc đo và may lại, vốn bỏ ra chỉ là một chiếc máy may, thước đo, phấn vẽ và một ít nút, chỉ đủ màu.

Mình đã xem xét khá kĩ, thường thì học may mất khoảng nửa năm, mình nói với mẹ “Sau này, con sẽ làm thợ may quần áo, mẹ không phải đi may ở tiệm nữa”. Lúc đó, mình có thể biến những ý tưởng thời trang của mình thành hiện thực, may quần áo cho cả nhà mặc nữa chứ, thật là hay quá chừng.

Mấy hôm sau, mình theo mẹ đi lấy quần áo cho mình, cô ấy vẫn chưa may xong. Trước mắt mình là một chồng vải chất cao chót vót, con cô ấy bị sốt đang khóc, vì chăm con lại phải lo việc nhà nên không có thời gian. Nhiều khách đến may cũng phải chờ như mẹ con mình, người thông cảm, người trách, người giận, có người sau khi thử đồ xong không vừa ý thì kêu cô ấy sửa lại đủ chỗ, nếu lỡ may chật quá không sửa được thì phải may lại, mọi việc cứ rối tung lên làm mình ở ngoài mà còn choáng váng.

- Công việc thứ ba là chạy đò chuyến trên sông, theo mình đây là công việc khá hay mà mình biết được khi về quê thăm ông bà ngoại, đường vào nhà ông bà phải đi qua bao kênh rạch chằng chịt và phương tiện duy nhất chính là những chiếc đò dài, có mui, bên trong có hai hàng ghế cho hành khách, ở giữa là vô số hàng hóa, đò sẽ rước khách dọc hai bên sông đến khi đầy khách và trở về khi khách đã mua bán ở chợ xong.

Đò rất đông khách, công việc duy nhất của chủ đò là chờ khách xuống và thu tiền, cần thêm một người nhà để lái đò nữa là xong, vốn bỏ ra là chiếc đò, sử dụng được đến mấy chục năm và dầu chạy máy cho mỗi chuyến. Mỗi ngày chỉ cần chạy hai chuyến là sau một năm dư sức thu hồi vốn, những năm còn lại là tiền lời. Theo mình đó chính là nghề béo bở nhất, khá nhàn và ổn định lâu dài.

Tuy nhiên, khách đi đò dần dần ít đi theo năm tháng, ai cũng nhận ra điều đó, sau 5 năm, khi những con đường nối về các xã vùng sâu hoàn thành, nhà nhà mua xe máy vì nhanh và tiện lợi, muốn đi lúc nào cũng được và có thể làm chủ được thời gian của mình, những lần theo mẹ về quê mình cũng ngồi đằng sau xe máy. Thấp thoáng dưới tàn cây, mình thấy bóng của những chiếc đò đang nằm trên bờ phơi mình trong nắng, thời gian làm bạc màu sơn, những thanh gỗ nứt ra, chấm dứt một thời vàng son.

- Công việc thứ tư mình phát hiện là “dễ” nhất khi mình bắt đầu lên cấp 2, nhà xa trường nên mình đi học bằng xe đạp, công việc giữ xe làm mình chú ý.

Lại một công việc không bỏ vốn nhiều nhé, cũng không cần đi học, việc cần làm là mướn một khoảng sân trường (bác giữ xe ngày đó ở trường mình có quen với thầy hiệu trưởng nên được miễn phí luôn), sau đó là huy động vài người trong nhà để ghi thẻ xe và thu tiền. Việc này tất nhiên quá ổn định vì học sinh luôn phải đi học mà, trừ mùa hè thôi.

Nhưng, số tiền gửi xe lúc ấy của bọn mình là 200 đồng một ngày, 500 đồng cho ba ngày, mà giá trị của một chiếc xe hẳn nhiên là gấp 2000 ngàn lần rồi. Vậy mà bác ấy đã có lần vì kiểm xe không kĩ nên có đứa cố tình lấy lộn xe và khủng khiếp hơn là mất xe nữa, tội nghiệp bác ấy đã già rồi nên mắt nhìn không rõ, nhưng cũng thương cho đứa bị mất xe, nó khóc cả ngày không dám về nhà vì sợ bị đánh, vậy là bác vào nhà, đền lại cho nó chiếc xe đạp, phương tiện đi lại hằng ngày duy nhất của bác.

- Khi mình lớn hơn, mình nhận thấy nghề ca sĩ là “dễ” nhất, ca sĩ ngày nào cũng được lên sân khấu, đứng trước bao nhiêu người hâm mộ, ra đường lại được mọi người chú ý, xin chữ ký, xin cho chụp hình, mặc dù phải bỏ khá nhiều tiền cho phục trang, đồ trang điểm nhưng đó cũng chỉ là để khiến mình lộng lẫy hơn trong mắt công chúng thôi. Ca sĩ bao giờ cũng đẹp, ăn uống ở những nơi sang trọng, bạn bè toàn là “quý sờ tộc”.

Bạn mình lại hay khen mình có một giọng hát truyền cảm vượt xa Chaien trong Đôrêmon, chỉ cần cố gắng tập luyện sẽ có tương lai, điều đó khiến mình sướng rơn trong ảo tưởng.

Mấy năm sau, khi con đường âm nhạc của mình vẫn chưa đi đến đâu thì mình phát hiện có quá nhiều tên tuổi nổi lên, người nào cũng có giọng ca cuốn hút riêng, vũ đạo hay và ngoại hình đẹp. Trong giới nghệ sĩ, nhiều sự tranh đua, những cuộc chiến ngầm mà không phải ai cũng biết được. Ca sĩ ngoài đi hát phải tập luyện hằng ngày cho những bài hát mới, chăm lo cho giọng hát, đi lưu diễn xa nhà trong nhiều ngày và chịu vô số áp lực từ báo chí và người hâm mộ. Mình thấy rằng, đây không phải là nghề dành cho mình, một ca sĩ tiềm năng không thấy, năng khiếu nửa vời.

- Khi học đại học, có rất nhiều bạn bè mách nước nên làm làm thêm bằng việc viết truyện ngắn và viết báo, công việc nhẹ nhàng chỉ cần chút mơ mộng, viết báo thì cần theo sát những sự kiện nóng bỏng, tiền nhuận bút thì rất cao, đủ trang trải cho cuộc sống xa nhà của một sinh viên.

Vậy là mình ngồi chắt chiu bao nhiêu ý tưởng và viết, cố gắng lắm, hai ngày mình mới viết được một bài gọi là tạm được, còn ý tưởng thì vắt óc cả tuần có khi chẳng cái nào phù hợp. Quên cả ăn cơm, bài vở chất chồng, mình ngồi suốt bên máy vi tính, ngẫm nghĩ, nhìn lên trần nhà mông lung rồi cứ thế gõ gõ như chim gõ kiến, khủng khiếp nhất có khi mình lại cười cười, nói nói một mình theo nhân vật mà mình tưởng tượng ra, bạn bè ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Kết quả là cặp kính cận phải thay vào cái tròng dày hơn, ngay kì thi học kỳ mình lại lăn ra ngủ bù, và không phải bài viết nào của mình cũng được sử dụng, có thể nội dung chưa phù hợp, phong cách viết chưa hay và thiếu chuyên nghiệp. Hằng ngày, mình theo dõi đều đặn các trang báo online bất cứ khi nào rảnh rỗi, mua thêm những tờ báo mình gửi bài đầy khắp phòng xem bài có được đăng không. Đúng là viết báo không hề dễ chút nào.

****************

Cuộc hành trình đi tìm kiếm nghề nào “dễ” nhất của mình chắc là còn dài dài nữa, kết quả thì vẫn chưa có nhưng điều mình nhận ra là tất cả những công việc lao động chân chính thì đều không dễ, đều đòi hỏi những kỹ năng riêng phải tích lũy trong một thời gian dài bằng chính kinh nghiệm thực tế hay qua sách báo, bài học trên lớp và trong cuộc sống. Mọi việc đều có những trách nhiệm, sự rủi ro riêng phải chấp nhận, ta chỉ có thể cố gắng hạn chế hết sức mà thôi.

Nhưng “khó” hay “dễ” không phải là quan trọng nhất, điều quan trọng là bạn có thật sự “yêu nghề” hay không, hay đó chỉ là sự yêu thích nhất thời theo xu hướng mà nó hoàn toàn không phù hợp với bạn. Nếu có lòng yêu nghề thì mình tin rằng bạn có đủ nghị lực, niềm tin để làm việc với tất cả tâm huyết, thành công ở phía trước bạn, chỉ là thời gian ngắn hay dài mà thôi.


Theo MTO