Chia Sẻ Nhiều Trên Facebook Dễ Thành Nạn Nhân Lừa Đảo

11:30AM 11/05/2012, Khác

Số đông trong gần 1 tỉ thành viên Facebook "nhiệt tình" chia sẻ thông tin và nhấn nút "Like" liên tục mà không biết rằng điều đó khiến họ dễ trở thành miếng mồi cho lừa đảo trực tuyến.

Facebook có gần 1 tỉ người dùng, nhưng phần lớn không biết sử dụng mạng xã hội này một cách an toàn và dễ trở thành nạn nhân về quyền riêng tư.

Nghiên cứu mới đây của Consumer Reports (Tạp chí của Mỹ chuyên về tiêu dùng) dựa trên cuộc khảo sát đối với các chuyên gia bảo mật, luật sư về quyền riêng tư, các nhà phát triển ứng dụng và những “nạn nhân” về bảo mật, kết hợp với khảo sát 2.002 hộ gia đình dùng Internet, trong đó 1.340 sử dụng Facebook, đã ghi nhận một số tình trạng như sau:

Người dùng chia sẻ quá nhiều. Khoảng 4,8 triệu người dùng Facebook công khai địa điểm họ sắp đến vào một ngày cụ thể mặc dù làm như vậy có thể khiến những kẻ xấu chú ý và lợi dụng cho mục đích bất chính như trộm cắp, theo dõi ngầm. Khoảng 4,7 triệu người khác bấm “Like” một trang Facebook về các điều kiện y tế và điều trị bệnh bất chấp thực tế các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sử dụng dữ liệu đó để chống lại họ.

Hàng triệu người dùng không sử dụng công cụ kiểm soát tính riêng tư. Gần 13 triệu người dùng chưa bao giờ thiết lập hay không biết gì về các công cụ bảo vệ quyền riêng tư của mạng xã hội này. Hơn 1/4 lượng người dùng mở rộng chia sẻ nội dung viết trên tường (wall) Facebook ra ngoài phạm vi bạn bè của họ.

Dữ liệu là "mỏ quặng" quý của Facebook. Một sinh viên luật người Áo cho biết chưa từng có một chính phủ hay tập đoàn nào quản lí lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ và thường là dữ liệu khá nhạy cảm như trên Facebook. Sinh viên này đã tìm lại 1.222 trang có thông tin cá nhân quan trọng của mình trên Facebook vào năm ngoái. Trong số đó, có những nội dung đăng tải trên wall, tin nhắn, địa chỉ email và tên những người bạn mà trước đây sinh viên này đã xóa khỏi tài khoản.

Các hãng thứ 3 cũng có thể xem dữ liệu của bạn. Nhiều ứng dụng trên Facebook có thể thu thập dữ liệu bạn bè của người dùng. Điều này có nghĩa là ngay cả khi bạn không dùng ứng dụng cụ thể thì nhà cung cấp ứng dụng cũng có thể truy cập vào dữ liệu của bạn khi một trong những bạn bè của bạn đang dùng ứng dụng đó.

Vấn đề quyền riêng tư đang gia tăng. 11% người trả lời (khoảng 7 triệu hộ gia đình) cho biết năm ngoái họ đã gặp vấn đề trên Facebook như bị quấy nhiễu hay bị một người khác đăng nhập vào tài khoản mà chưa có sự đồng ý. Con số này tăng gần 30% so với năm ngoái. Theo Consumer Reports, ngay cả khi đọc xong các chính sách riêng tư của Facebook và Google, hầu hết người dùng vẫn không hiểu cách thức các website xử lí thông tin của họ như thế nào và làm thế nào những người sử dụng web khác có thể phát hiện ra thông tin đó.

Nếu bạn không muốn trở thành một trong số những người lơ mơ về Facebook và quyền riêng tư, hãy dùng thử Priveazy.com - một công cụ gồm nhiều bài học hữu ích, bài kiểm tra kiến thức người dùng và thực hành. Chẳng hạn, bạn có thể xem đoạn video giải thích cách Facebook thu thập dữ liệu về bạn, tự kiểm tra xem mình đã thực sự hiểu vấn đề chưa và thực hành thiết lập tính năng bảo vệ sự riêng tư.


Theo thongtincongnghe.com