"Phanh" Gấp Nếu Bạn Làm Việc Quá 40 Tiếng 1 Tuần
07:34AM 07/05/2012, Khác
Bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ đạt được nhiều thành quả hơn bằng cách làm việc thêm nhiều giờ hơn. Có lẽ bạn đã nhầm, thậm chí điều đó lại cực kỳ nguy hiểm.
Hàng loạt bài báo gần đây ca ngợi Sheryl Sandberg, giám đốc hoạt động của Facebook, khi cô rời văn phòng lúc 5h30 chiều mỗi ngày để chăm sóc con cái. Hiển nhiên là cô đã làm điều đó trong nhiều năm nhưng chỉ gần đây nó mới được hé lộ.
Điều ngớ ngẩn là Sandberg cảm thấy cần phải giấu giếm thực tế này. Trong khi suốt một thế kỷ nghiên cứu, người ta đã đưa ra một thực tế không thể phủ nhận là làm việc hơn 40 tiếng mỗi tuần sẽ khiến năng suất bị giảm sút.
Đầu những năm 1900, Ford Motor đã thực hiện hàng tá các thử nghiệm nhằm xác định số giờ làm việc tối ưu để đạt năng suất lao động. Những thử nghiệm đó đưa ra “điểm chuẩn” là 40 giờ một tuần, và khi làm thêm 20 giờ sẽ giúp năng suất tăng lên một chút, nhưng sự tăng lên này chỉ kéo dài khoảng 3-4 tuần, sau đó nó trở thành tiêu cực .
Bất cứ ai đang dành thời gian làm việc ở môi trường doanh nghiệp đều biết rằng, điều đã đúng với các công nhân nhà máy từ 100 năm trước thì cũng đúng với nhân viên văn phòng ngày nay. Những người dành cố định 40 tiếng mỗi tuần sẽ làm việc tốt hơn những người thường xuyên làm việc 60 giờ hoặc hơn.
Những người nghiện công việc (và nhà quản lý sai lầm của họ) có thể nghĩ rằng họ đang hoàn thành tốt công việc hơn so với nhân viên ít cuồng nhiệt. Nhưng trong mọi trường hợp tôi quan sát được thì kết quả công việc của những giờ làm thêm đều phải bỏ đi hoặc làm lại.
Hơn nữa, những người hay làm việc kéo dài suốt tuần dễ mắc Hội chứng suy kiệt tâm lý Burnout và bắt đầu có các vấn đề cá nhân xảy ra trong quá trình thực hiện công việc.
Ở một công ty mà tôi từng làm việc, có một chàng trai đã lấy số vụ ly hôn trong nhóm của anh ta để đo năng suất công việc. Chính quản lý hàng đầu của anh ta cũng nhìn nhận báo cáo đó như một số liệu hợp lý. Điều mỉa mai (nhưng không hề ngạc nhiên) là bản thân nhóm này hầu như chẳng thể hoàn thành được cái gì.
Thực tế, có lẽ sự quá tải công việc là lý do vì sao chàng trai này phải đưa ra một số liệu vô lý như thế.
Những người ủng hộ tuần làm việc kéo dài thường đưa ra lượng thời gian làm việc thậm chí còn dài hơn mức trung bình tại các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc và Pakistan (đây là các quốc gia có tỷ lệ người lao động làm việc trên 48 giờ mỗi tuần cao nhất thế giới), với ngụ ý rằng thời gian làm việc kéo dài đang tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, thực tế không xác nhận điều đó. Tại 6 trong 10 quốc gia cạnh tranh nhất thế giới (Thụy Điển, Phần Lan, Đức, Hà Lan, Đan Mạch, và Vương quốc Anh), sẽ là phạm pháp nếu yêu cầu làm việc nhiều hơn 48 giờ một tuần.
Nhưng tuần làm việc 50, 60, và 70 tiếng đã trở thành quy tắc bắt buộc ở một vài bộ phận trong giới kinh doanh Mỹ. Nếu những nhà quản lý Mỹ thông minh , họ nên chấm dứt cách cổ vũ ngu ngốc là "nếu anh không đến vào Thứ bảy, thì đừng ngại đến làm việc vào Chủ nhật". Nếu muốn nhân viên (chính thức hay làm theo giờ) hoàn thành công việc tốt nhất trong thời gian ngắn nhất thì hãy dựa trên cơ sở hợp lý là 40 giờ một tuần.
Nói cách khác, chẳng ai cần phải xin lỗi vì đã dừng công việc tại một giờ hợp lý như 5h30 chiều. Thực tế, người ta cần phải được xin lỗi nếu họ đang làm việc quá nhiều thời gian mỗi tuần vì điều đó có thể khiến nhóm làm việc kém hiệu quả đi.
Hội chứng Burnout được định nghĩa như một tiến trình bệnh lý do việc lặp đi lặp lại các cơ chế thích nghi, khả năng chịu đựng sức bền dai đối mặt với công việc. Đây là dạng lâm sàng về rối loạn khả năng thích nghi.
Tiếng Pháp gọi Burnout là Hội chứng kiệt sức nghề nghiệp khi quá tải.
Hình tượng burnout được ví như một cây nến đã đốt cháy hết hay một ngọn đèn đã cháy bóng, biến trở về thành tro tàn, sự hao mòn tiêu hủy, là hình tượng của một người không còn năng lượng.
Một người có sức khỏe, bên trong họ luôn có một ngọn lửa vẫn cháy, nếu nó tắt sẽ dẫn đến sự trống rỗng từ bên trong, mọi nguồn lực đều trở nên cạn kiệt. Bề ngoài tưởng chừng như bình thường và không thấy bất cứ tín hiệu báo trước.
Việc thích nghi hoàn cảnh ban đầu là bình thường, hợp lý, có hiệu quả nhưng các cơ chế thích nghi lặp đi lặp lại sẽ trở thành Burnout. Hậu quả của hội chứng Burnout:
+ Kiệt quệ về mặt cảm xúc
+ Mối quan hệ với mọi người trở nên mất nhân tính
+ Khả năng hoàn thành công việc chuyên môn giảm