Có Nên Làm Việc Với Mức Lương Thấp Hơn Mong Muốn

18:47PM 07/09/2010, Kinh doanh

Những năm trở lại đây, việc tìm được một công việc phù hợp với mức lương như mong muốn càng trở nên khó khăn bởi các nhà tuyển dụng ngày càng thắt chặt chi phí đến mức tối đa.
Những nhân viên mới thường được đưa ra mức lương thấp hơn mức thông thường, còn những vị trí cũ có tăng thì cũng chỉ tăng chút xíu... đó là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhiều người vẫn chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn trước kia bởi họ vẫn phải xoay xở, trang trải cho cuộc sống. Nhưng dù sao một mức lương mới thấp hơn trước bao giờ cũng là điều khiến người ta khó chấp nhận.
Theo Cheryl Palmer, một nhà tư vấn về nghề nghiệp có tiếng, rất nhiều người không hiểu rõ về thị trường việc làm hiện nay một cách đầy đủ. Họ vẫn nghĩ rằng mọi việc vẫn bình thường như trước và không chấp nhận mức lương thấp hơn, vì thế, họ dễ dàng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Một số khác có đọc báo, xem vô tuyến nhưng lại chỉ cập nhật những thông tin không mấy lạc quan về thị trường tuyển dụng, chỉ nhìn thấy những khó khăn. Nhóm người này sẽ chấp nhận, nghĩa là thà thấp một chút còn hơn là không có việc làm. Hai xu hướng này đều có thể dẫn đến những khó khăn cho cuộc sống riêng của họ bởi vì không nắm được thông tin về thị trường việc làm một cách toàn diện.

Trước khi đàm phán lương, hãy nghiên cứu kỹ về những đòi hỏi của nhà tuyển dụng
Vì thế, Palmer khuyên rằng, để có thể đưa ra quyết định đúng đắn xem liệu có nên chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn mong muốn hay không, trước hết, bạn phải nghiên cứu thật kỹ về ngành nghề, lĩnh vực bạn đang làm, với những mức lương khác nhau tại các vị trí tương đương. Bạn phải cân nhắc mức lương ấy xem có tương xứng với những đòi hỏi về năng lực, kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
Nếu bạn thấy rằng, bạn đang kiếm được mức lương phù hợp với những người khác trong cùng lĩnh vực thì bạn không cần phải điều chỉnh, thương lượng thêm nữa. Nên nhớ, việc đưa ra một mức lương thấp hơn mức chung không phải bao giờ cũng đưa đến cho bạn lợi thế cạnh tranh, ngược lại, có khi còn lại trở ngại. Nếu như thời gian và khả năng làm việc hiệu quả của bạn có thể giúp bạn kiếm được nhiều hơn khoản tiền lương mà công ty đưa ra, công ty có thể sẽ xem xét cách để giữ nhân tài. Trong trường hợp này, bạn cứ mạnh dạn đưa ra mức yêu cầu hợp lý, kể cả có cao hơn một chút nhưng miễn là phù hợp với vị trí và năng lực, chứ không cần thiết phải tự hạ mình.
Mặt khác, bạn cũng có thể đánh giá được mức lương bạn yêu cầu. Nếu như mức bình quân trả cho những vị trí như bạn đang ở một mức, còn bạn lại đưa ra mức cao hơn vài bậc thì đa phần là bạn sẽ thất bại. Tuy nhiên, nếu bạn tự tin rằng, bạn có thể làm tốt hơn 20% so với mức bình thường, thì bạn có thể xem lại giá trị của mình.
Nói chung, trước khi quyết định có nên chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn yêu cầu hay không, và thấp ở mức nào, bạn nên xem xét một số yếu tố sau:
- Sự cần thiết: Điều này phụ thuộc vào việc bạn có bị nhiều áp lực phải có việc làm ngay hay không. Nếu không vội vàng, bạn hãy tự đưa ra mức lương theo nhu cầu, nguyện vọng và hãy tìm việc, thỏa thuận với nhà tuyển dụng theo mức này. Tất nhiên, một khi đang chịu nhiều áp lực về vấn đề tài chính, về công việc, nghiễm nhiên, việc chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn mong đợi nhiều khi cũng là cách giúp bạn giải quyết mọi việc trong một thời gian ngắn.

- Mức cạnh tranh: Hãy xem trong lĩnh vực của bạn, hiện có nhiều ứng viên xuất sắc không. Một khi có nhiều ngôi sao, nhà tuyển dụng sẽ có quyền lựa chọn và lúc đó, bạn nên đàm phán với một mức lương vừa chừng.
- Tính toán lợi ích: Đừng vội vàng từ chối nhà tuyển dụng chỉ vì họ đưa mức lương hơi thấp so với mức mong muốn của bạn. Tốt nhất, bạn nên xem xét xem nếu làm việc ở công ty này, bạn có được thoải mái, linh động về thời gian không, văn hóa công ty có phù hợp với bạn không... Nếu một môi trường làm việc thân thiện, thời gian không gò bó và bạn có thời gian chăm sóc gia đình hay làm những việc riêng khác thì một mức lương hơi thấp một chút nên chăng có thể chấp nhận?
- Thương lượng: Nếu bạn chấp nhận một công việc mới với một mức lương thấp hơn mong muốn hoặc là vẫn làm công việc cũ nhưng bị giảm lương, thì tốt nhất là nên có sự thỏa thuận. Ví dụ có thể thỏa thuận về thời gian làm việc, hoặc là về lương hiệu quả khi hoàn thành tốt công việc được giao. Không phải công ty nào cũng sẵn sàng chấp nhận những thỏa thuận này của nhân viên nhưng đừng vì thế mà không thử thỏa thuận.
Thêm vào đó, bạn hãy dùng kinh nghiệm, năng lực làm việc của bản thân trong việc đem lại hiệu quả kinh doanh cho công ty để thỏa thuận mức lương cao hơn so với mức nhà tuyển dụng đề nghị.
- Cân nhắc kỹ lưỡng: Mặc dù bạn sẵn sàng làm việc với mức thu nhập thấp hơn để có thể có công việc mới, nhưng điều quan trọng là phải biết tính toán xem mức đó có đủ đáp ứng nhu cầu thường nhật của bạn hay không đã. Bởi nếu quá ít tiền, cuộc sống của bạn sẽ khó khăn và bạn sẽ lại nhanh chóng bỏ đi tìm việc mới mà thôi.


Theo Hải Như