Nên Chọn Ngành Nghề Phù Hợp
11:00AM 14/07/2010, Kinh doanh
Lượng định sức học của mình để chọn trường đăng ký dự thi tức là chọn lựa nghề nghiệp cho tương lai. Các tiêu chí như: Nhu cầu xã hội đối với ngành nghề, hoàn cảnh kinh tế gia đình, sức khỏe, khả năng, sở thích đều cần phải được xem xét, đánh giá đúng mức cho phù hợp.
Chọn ngành dự thi nên bắt đầu từ đâu?
Việc chọn nghề nên đáp ứng được nhu cầu nhân lực của xã hội: không cần phải là nghề nghiệp cao sang nhưng nên là những nghề cần thiết dễ có việc làm, phải phù hợp với sở thích, sở trường, sức khỏe và đồng thời phải thích nghi với hoàn cảnh kinh tế của mình (nếu đang khó khăn về kinh tế nên chọn học những ngành nghề ngắn hạn trước, chọn học nghề dài hạn sau). Do đó, khi chọn trường, các bạn nên mạnh dạn theo ngành nghề mình yêu thích, phù hợp với mình và nghề nào mà mình sẽ có khả năng học tốt nhất. Nếu không đủ khả năng nên chọn các bậc học học khác như CĐ, trung cấp…
1) Bắt đầu từ tìm hiểu về nghề nghiệp: Xác định rõ mục tiêu học tập
Nghề bạn định chọn có nhiều cơ hội trong tương lai không? Khả năng của bạn đủ đáp ứng không? Tính cách và sức khỏe có phù hợp không?
Qua các phương tiện truyền thông, các trang web, các bạn có thể tìm hiểu nghề của mình chọn đó sẽ phải làm gì, ở những vị trí như thế nào, công việc hàng ngày (khi đi làm) ra sao? Ngoài ra, các bạn cần biết các vị trí tuyển dụng trong các cơ quan, các yêu cầu về tính cách, giá trị và kỹ năng của từng vị trí nghề nghiệp (tìm hiểu các thông báo tuyển dụng). Nên tham dự các giờ học hướng nghiệp, học nghề, qua đó sẽ có cơ hội thực tập thật sự với nghề nghiệp. Ngoài ra, nên đến tham quan thực tế tại các cơ sở nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp… liên quan đến nghề của mình dự định học trong tương lai để tìm hiểu thêm.
2) Chọn trường, chọn ngành: Chọn được nghề rồi, bước thứ hai là xem nghề đó thuộc ngành gì (Khoa học, kỹ thuật, xã hội, kinh tế…), có ở những trường nào, đào tạo trình độ gì (ĐH,CĐ hay TC), điều kiện tuyển sinh ra sao, thời gian học là bao lâu, học phí bao nhiêu, xa hay gần nhà…
Nếu có vấn đề trở ngại, thật sự khó khăn thì quay lại bước một để tìm hiểu nghề phù hợp khác! (Đây chỉ là bước đầu trong việc tìm hiểu cái mạnh, cái yếu, cái hay, cái dở của bạn). Nếu bạn biết rõ về ngành nghề và trường mình sẽ dự thi thì đương nhiên bạn sẽ có cơ hội thành công cao hơn.
3) Đánh giá lại bản thân mình: Tôi học ngành-nghề gì?
Nghĩa là bạn cần biết bạn sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp THPT bằng cách tự trả lời các câu hỏi như: Tại sao mình quan tâm đến nghề này? Sở thích nghề nghiệp của mình có đúng với nghề này không? Trong quá trình học tập thường mình khá nhất môn nào, thích những sinh hoạt gì? Thích khoa học hay kinh doanh? Thích làm việc ngoài trời hay trong văn phòng? Khả năng giỏi nhất và năng lực học tập của mình có đủ đáp ứng cho ngành nghề dự tính hay không? Hoàn cảnh kinh tế gia đình có cho phép mình theo đuổi? Sức khỏe phù hợp thế nào? (Các bạn yếu ớt, sợ máy móc, sợ dao kéo, sợ máu v.v… Cần lưu ý).
Đặc biệt, bạn không nên đua theo các ngành nghề “cao sang” mà nên chọn nghề phù hợp với mình. Vì có phù hợp với khả năng của mình thì mình mới có thể học giỏi. Vì có thích thì mới học tốt và hẳn nhiên cơ hội việc làm sau tốt nghiệp luôn dành cho những ai có kết quả học tập tốt nhất. (SV giỏi có thể tìm việc tốt hơn, dễ dàng hơn sau khi ra trường). Thực tế, đã có rất nhiều người lúc còn học văn hóa thì chỉ bình thường. Nhưng khi vào chuyên ngành (đúng nghề phù hợp với khả năng) thì trở nên xuất sắc vượt trội.
4) Chuẩn bị hành trang cho tương lai.
- Nghề của mình chọn sẽ làm việc ở thành phố hay về địa phương? (Các bạn lưu ý là cơ hội việc làm cho nghề của bạn không phải ngay bây giờ mà ít nhất là vài năm nữa).
- Nếu bạn phải học trường ngoài công lập, nhưng cố gắng có kiến thức chuyên môn giỏi, trang bị được nhiều kỹ năng (vi tính, giao tiếp, làm việc nhóm... và ngoại ngữ), thì vẫn được đánh giá cao, vẫn có lợi thế cạnh tranh sau khi ra trường.
- Mỗi công việc gì đó nếu chúng ta xác định rõ mục tiêu, đầu tư xứng đáng tất nhiên sẽ nhận được sự đãi ngộ xứng đáng. Vấn đề là bạn có yêu thích ngành mình học không, có đam mê không, có năng khiếu không... Thực tế còn nhiều SV cùng học, cùng tốt nghiệp ngang bằng nhưng cơ hội việc làm sau đó lại khác nhau: có người lương cao, có người lại gặp khó khăn cứ phải đi tìm việc. Vì thế, các bạn đừng lo học ngành gì ra trường thì dễ xin việc hay khó xin việc. Dễ hay khó chủ yếu là do năng lực có thích hợp với ngành nghề đó hay không. Ngoài ra, nhiều ngành học có điểm chuẩn đầu vào khá cao nhưng chưa chắc nhu cầu việc làm của xã hội cho ngành đó là nhiều (sẽ khó tìm việc sau này). Trong khi một số ngành điểm chuẩn đầu vào chỉ bằng hoặc trên điểm sàn 1-2 điểm nhưng nhu cầu xã hội lại đang rất cần (cho cả nữ chứ không riêng gì nam). Nhất là các ngành thuộc về kỹ thuật Nông, Lâm, Cơ khí… Hoặc như Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin… hiện nay có vẻ như không còn thời thượng nữa (điểm chuẩn đầu vào đã hạ bớt dần), lý do là vì có nhiều cơ sở đào tạo ngoài hệ thống công lập tuyển sinh để đáp ứng cho nhu cầu của xã hội. Thật ra, đối với những ngành này, tiềm năng phát triển vẫn rất lớn và vẫn rất cần trong tương lai. Tóm lại, bạn hãy chọn nghề theo khả năng và sở thích cũng như hoàn cảnh của mình. Không a-dua đua theo “nghề hot”, chọn đại, thi đại. “Hoc đại” thì khi vào chuyên ngành bạn sẽ nhận ra rằng mình không phù hợp với ngành học! Khi đó, bạn sẽ chán nhưng vẫn phải học với kết quả yếu kém vì không dám thi lại, hoặc bạn sẽ phải làm lại từ đầu
Mỗi người đều có khả năng riêng của mình, người có sở trường này, người khác có sở trường khác. Vì vậy, nên đăng ký dự thi với ngành nghề phù hợp để bạn có thể hoàn thiện bản thân, có được nhiều cơ hội nâng cao và phát triển khả năng. Cho dù là “nghề không cao sang” nhưng nó vẫn rất tốt và sẽ bảo đảm tương lai cho bạn.