Đâu Rồi "Xin Lỗi - Cảm Ơn"!!!

08:02AM 08/08/2011, Khác

Hà Nội bây giờ văn minh hơn, người có học nhiều hơn, đời sống khá hơn và cái gì cũng hơn xưa. Vậy mà tại sao tôi có cảm giác dường như tìm câu cảm ơn, xin lỗi khó hơn rất nhiều. Đâu rồi những từ “xin lỗi – cám ơn”!?

Cách đây hơn chục năm, tôi lên Hà Nội học ôn thi đại học và đó là lần đầu tiên tôi đi ra khỏi lũy tre làng, theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Lên thành phố, tôi may mắn được ở nhà nhờ một người bạn của bố tôi. Nhà chú ở trong một ngõ nhỏ, giữa phố Hàng Muối. Chú là người Hà Nội gốc.

Lần đầu ra Hà Nội, cái gì cũng khiến tôi ngạc nhiên và háo hức. Tôi không chỉ ngỡ ngàng với cảnh phố xá tấp nập, những ngôi nhà đẹp nối dài, những món ăn ngon mà tôi còn ngạc nhiên hơn cả vì cách nói chuyện của những thành viên trong gia đình người bạn bố tôi.

Hai vợ chồng chú luôn nói năng với nhau rất nhẹ nhàng, các thành viên trong gia đình vẫn thường xuyên nói với nhau câu cảm ơn và xin lỗi. Ngay cả hai đứa em nhỏ, dù chỉ mới học lớp 5, lớp 7 cũng biết nói cảm ơn và xin lỗi với mọi người. Tôi đã nghe thấy cô con gái lớp 7 nói cảm ơn khi người hàng xóm mang cho bát cà muối và cậu bé lớp 5 thì nói xin lỗi khi đang chạy, lỡ va phải một cậu bé cùng trong ngõ.

Ngày ấy, dù rất ngạc nhiên nhưng tôi rất thích hai từ cảm ơn và xin lỗi. Tôi gần như bị ám ảnh bởi sự sang trọng, lịch thiệp, thanh tao của ngôn ngữ giao tiếp và thầm đặt quyết tâm nhất định phải thi đỗ vào đại học, phải ở lại Hà Nội để được nói cảm ơn, xin lỗi mỗi ngày.

10 năm sau, tôi đã may mắn có được một công việc ổn định ở Hà Nội. Tôi đã có con và tôi vẫn thường dạy con tôi nói hai từ cảm ơn và xin lỗi.

Rồi một lần, khi đi uống cà phê với bạn, tôi chẳng may đánh đổ. Tôi phải gọi tới mấy lần, cô bé nhân viên mới đưa cho tờ giấy ăn để lau. Khi nói: “Cảm ơn em!”, tôi đã không nhận được câu trả lời!

Cũng trong ngày hôm ấy, khi tôi đang đi bộ trên vỉa hè thì thấy có một cô gái trẻ đâm xe vào một phụ nữ trung niên đang đi chợ về. Va chạm nhỏ thôi và hình như ai cũng có lỗi. Cô gái phóng xe vào ngõ mà không quan sát nên đâm phải người phụ nữ trung niên tay xách nách mang bao nhiêu đồ nhưng không đi trên vỉa hè. Chẳng ai nhường ai, cô gái bực vì đổ xe. Người phụ nữ thì nổi cáu vì bao nhiêu hoa quả, trứng gà, trứng vịt đổ vỡ tung tóe. Họ nói qua, nói lại và càng lúc càng căng thẳng. Lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng, nếu chỉ một trong hai người ấy nói lời xin lỗi thì có lẽ mọi chuyện đã được giải quyết êm đẹp. Tiếc thay, đã không có ai nói ra mấy lời “có cánh” đó…!

Ngày sinh nhật mẹ chồng tôi, cả nhà đi ăn tại một nhà hàng khá sang trọng trên phố. Chồng tôi thanh toán bằng thẻ VISA. Cầm thẻ đi một lúc, nhân viên nhà hàng quay lại nói: “Chị ơi, em quẹt thẻ của chị rồi nhưng máy bị lỗi, chẳng hiểu đã được chưa. Thôi chị cứ thanh toán cho em một lần nữa bằng tiền mặt, nếu sau đó mà thẻ  bị trừ tiền thì chị báo, quán em sẽ trả lại tiền.”

Tôi đã phải thanh toán hai lần tiền cho một bữa ăn với một số tiền không nhỏ. Nó mang lại cảm giác rất khó chịu nhưng cả cô nhân viên lẫn chủ quán đều không dùng tới từ xin lỗi trong đoạn thoại ngắn ngủi mà họ trao đổi với vợ chồng chúng tôi.

Mới sáng hôm nay, tôi đi tới một ngân hàng lớn để rút tiền tiết kiệm, hai cô nhân viên đang ngồi sau quầy vẫn vui vẻ quay lưng ra phía ngoài và nói chuyện với nhau dù biết đã có khách vào. Tôi phải nói tới lần thứ hai: “Xin lỗi em ơi, cho chị rút tiền”.

“Sổ của chị đâu?”, “Chứng minh thư đâu?”, “Chị ký vào đây”… Đó là những câu nói cụt lủn mà tôi nhận được trong thời gian đứng ở quầy giao dịch. Dù vậy, tôi vẫn nhũn nhặn nói lời cảm ơn trước khi rời đi.

Cô nhân viên ngân hàng ngẩng lên nhìn tôi với ánh mắt rất thờ ơ và hình như còn thoáng vẻ hơi ngạc nhiên vì lời cám ơn… “rườm rà” ấy.

Hà Nội bây giờ văn minh hơn, người có học nhiều hơn, đời sống khá hơn và cái gì cũng hơn xưa. Không biết cảm giác của mọi người như thế nào, còn tôi có cảm giác dường như tìm câu cảm ơn, xin lỗi khó hơn rất nhiều. Đâu rồi những từ “xin lỗi – cám ơn”!?


Theo Dân trí