Không Chỉ Nhìn Bằng Mắt
06:46AM 24/08/2011, Góc tâm hồn
Tôi tham gia một câu lạc bộ cộng tác viên với đài truyền hình. Những ngày đầu, tôi chỉ có thể “gặp mặt” anh chủ tịch qua những mẩu nói chuyện ngắn trên yahoo, qua mail hay trên facebook…
Anh lớn hơn tôi một tuổi nhưng những kinh nghiệm của anh khiến đứa nào trong câu lạc bộ cũng phải nể phục. Anh quản lý gần 100 thành viên của câu lạc bộ hết sức dễ dàng. Anh phân công công việc rạch ròi và chưa từng khiến ai phải phàn nàn. Nghe những vị tiền bối kể lại, anh có rất nhiều đóng góp với câu lạc bộ, tham gia tích cực những chương trình của đài, và nhận được không ít lời khen ngợi… Tôi nuôi trong mình một hình ảnh anh chủ tịch…đẹp trai, giỏi giang và năng động.
Ngày tôi gặp anh lần đầu tiên, thú thực là tôi không giấu nổi niềm thất vọng. Anh thấp và đen hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của tôi. Anh chẳng có nụ cười…sáng chói như tôi vẫn nghĩ. Mọi thứ trong tôi dường như…sụp đổ. Nhưng rồi, khi về tới nhà và ngồi ngẫm nghĩ, dáng vẻ đâu làm nên tính cách. Lùn hay cao đâu có nghĩa khả năng làm việc của người đó tốt hay xấu. Đẹp trai hay không cũng đâu thể suy ra sự hiệu quả của năng suất làm việc. Sẽ ra sao nếu có người nào đó mới chỉ nhìn qua ngoại hình của tôi và phán luôn một câu xanh rờn rằng tôi là một người xấu tính?
Tôi vẫn luôn phê phán cái sự “nhìn mặt mà bắt hình dong”, vậy mà chính tôi lại mắc phải lỗi sai ấy! Thật may mắn khi tôi hiểu về anh trước khi gặp mặt, may mắn khi đã không bị chính đôi mắt của mình đánh lừa.
Những lúc rảnh rỗi, tôi thường lân la ở thư viện của xã để đọc truyện và sách báo. Mà một thư viện nhỏ bé, nằm trong một thôn nhỏ bé của vùng quê xa phủ xa tỉnh, những cuốn sách truyện ở đây phần nhiều đều là đồ cũ, được các bạn ở thành phố tốt bụng chia sẻ. Dù nhiều quyển bìa sách đã chẳng còn nguyên vẹn, giấy mực chẳng còn nguyên màu, nhưng chúng tôi vẫn thích mê những chiều ngồi chăm chú vào những trang sách. Và trong những ngày như thế, tôi đã được biết về câu chuyện nồi cơm của Khổng Tử. Trong một lần dẫn học trò đi du thuyết, thầy trò Khổng Tử cùng nhau dừng chân ở một ngôi nhà nhỏ để ăn trưa trước khi tiếp tục lên đường. Khi Khổng Tử đi ngang qua bếp thì thấy cậu học trò được phân công việc nấu cơm đang mở vung và…ăn vụng. Khổng Tử lấy làm buồn lắm. Tới bữa cơm, Khổng Tử nói với học trò về ý định xới một bát cơm đặt lên bàn thờ tạ ơn cha mẹ, đất trời. Ai cũng đồng tình riêng người học trò ấy lại không. Thấy lạ, Khổng Tử bèn hỏi chuyện thì được biết : Do không cẩn thận để bồ hóng và bụi trên các thanh xà ngang của bếp rơi vào làm bẩn nồi cơm, người học trò ấy đã mạn phép thầy và các vị huynh đệ khác ăn trước phần cơm bẩn, nhường phần cơm sạch cho mọi người. Và vì thế bữa trưa này, người ấy cũng không hề động vào bát đũa mà chỉ nhìn người khác ăn. Học trò ấy nói “Cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”. Lúc ấy, Khổng Tử mới vỡ lẽ ra mọi chuyện. Khổng Tư ngẩng mặt lên trời và than rằng “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. ”
Trong một cuốn sách khác của một tác giả trẻ, có một câu chuyện kể về sự đau khổ của một cô gái khi người yêu đột nhiên rời xa mình. Cô gái ấy yêu chàng trai tha thiết. Cô chấp nhận từ bỏ sự năng động, từ bỏ nhiệt huyết tham gia hoạt động xã hội để ở bên chàng trai cả ngày. Cô gái chấp nhận vứt bỏ những đam mê, những tham vọng vươn lên chỉ vì chàng trai đó là người gia trưởng, không thể đón nhận một cô người yêu tài giỏi hơn mình. Cô hạn chế tiếp xúc với mọi người để tránh những sự ghen tuông của chàng trai. Nhưng cuối cùng, chàng trai ấy vẫn quyết định ra đi. Cô gái tìm mọi cách để giữ chân chàng nhưng mọi thứ đều trở nên vô ích. Cô đã khóc suốt mấy tháng trời. Cô đau khổ vật vã suốt bao nhiêu đêm, oán hận chàng trai bao nhiêu năm dài sau đó. Rồi cô bình tĩnh lại, cô trở lại là cô của ngày xưa, của những ngày nồng nhiệt và ham sống, ham cống hiến. Khả năng của cô dần dần được bộc lộ, cô trưởng thành hơn rất nhiều, mạnh mẽ hơn, và bản lĩnh hơn. Một ngày nọ, không biết tình cờ hay hữu ý, cô và chàng trai gặp lại nhau. Hai người hàn huyên tâm sự mấy tiếng đồng hồ. Cô biết được lý do năm xưa chàng trai ra đi. Vì anh yêu cô nhưng anh không thể chiến thắng những thói gia trưởng trong mình, anh chia tay cô trong đau khổ nhưng anh biết đó là cách tốt nhất để cô sống thật là cô, để cô có thể làm mọi điều cô muốn mà không hề chịu sự trói buộc nào… Giờ đây, cô thành công, cô vui vẻ. Nhưng đôi khi, cô vẫn không nguôi nghĩ về những điều mắt mình nhìn thấy, tai mình nghe thấy, …nhưng vẫn chẳng thể nào hiểu hết.
Đôi mắt vốn được coi là cửa sổ giúp ta ngắm nhìn thế giới, để ta thu vào đó những hình ảnh giúp não và trái tim phân tích những cảm xúc trong lòng. Không chỉ riêng bạn, mà ngay cả bản thân tôi cũng đặt quá nhiều tin tưởng vào đôi mắt của mình. Để rồi phải ngậm ngùi nhận ra, một khi mắt chỉ biết nhìn và thu hình, một khi mắt thụ động làm việc mà không truyền thông tin tới não, tới trái tim để cùng nhau “thẩm định”, mắt không hề đáng tin như ta nghĩ.
Chẳng có gì là tuyệt đối, mọi sự đúng đắn cũng chỉ mang tính tương đối. Vậy nên đừng đặt quá nhiều tin tưởng vào đôi mắt của chúng ta. Hãy cảm nhận mọi việc, nhìn nhận vấn đề bằng cả trái tim, bằng sự tin tưởng và cảm thông, bằng sự thấu hiểu bạn nhé!