Kĩ Năng Nói Dối "Tích Cực"
07:26AM 24/05/2012, Khác
Trong cuộc sống, ai cũng đã từng nói dối vài lần. Có những lời nói dối không hề mang mục đích xấu.
Trong vài hoàn cảnh nhất định, bạn được quyền nói dối, miễn là điều đó không vi phạm đạo đức và pháp luật. Vậy là phải học cách “nói dối tích cực” ra sao để không phạm phải sai lầm?
“Phiên bản” của nói dối
Trong thực tế, có rất nhiều “phiên bản” khác của việc nói dối, và chúng ta không ai nhận ra rằng đó là cách “đánh lừa” người khác. Chúng ta chỉ nghĩ rằng đó là một việc tốt mà thôi. Chẳng hạn như cha mẹ thường hay nói dối với con mình rằng: “Đây là kẹo nè, con ăn vào sẽ khỏi bệnh ngay” (thực tế là thuốc rất đắng), bác sĩ thường nói dối bệnh nhân về tình trạng bệnh tình để họ lạc quan hơn, bạn thường hay nói “tôi vẫn ổn” để người khác không lo lắng nhưng thực chất bạn chẳng ổn tí nào… Đó là những kiểu nói dối tích cực. Đôi lúc ta cần phải làm những việc này vì những người chúng ta quan tâm. Suy cho cùng, “những lời nói dối trắng” mang lại nhiều lợi ích hơn. Bạn nói dối vì muốn tốt cho người khác, chứ không vì chính bản thân mình.
Khen ngợi — một cách nói dối “ngụy trang”
Bạn đã bao giờ không thích cách ăn mặc, kiểu tóc, đôi giày…của ai đó nhưng vẫn khen để khiến họ vui? Bạn đã bao giờ không có thiện cảm với ai đó nhưng vẫn khen ngợi họ? Bạn biết rằng điều đó rất bình thường nhưng vẫn khen để động viên người khác? Bạn không thích công việc mà sếp giao nhưng vẫn ngợi khen ý tưởng của sếp và hứa rằng sẽ hoàn thành? Đó là những kiểu nói dối “ngụy trang”, mà bạn không hề biết.
Trên thực tế, việc khen ngợi này không vi phạm đạo đức và pháp luật. Trái lại, nó còn góp phần động viên người khác, truyền cảm hứng và giúp họ lạc quan. Ta không cần nịnh bợ thái quá, nhưng nếu điều đó hợp lí, đừng tiếc những lời khen, mặc dù ý kiến chủ quan của bạn không hoàn toàn đồng tình với những gì bạn nói. Miễn đừng khiến người khác ảo tưởng vì những lời khen của bạn. Còn ngợi khen để thiết lập mối quan hệ, để trở nên hiểu nhau hơn, để động viên người khác…là điều nên làm và bạn cũng chẳng cần phải áy náy khi “nói dối” theo kiểu này.
Biết cách “nương” trong các cuộc hội thoại
Đôi lúc bạn không thể nói thẳng vào sự thật. Việc nói giảm, nói tránh hoặc nói chệch hướng vấn đề luôn được áp dụng khi cuộc hội thoại có phần căng thẳng hoặc nhạt nhẽo. “Nương” trong các cuộc hội thoại ở đây có nghĩa là bạn biết cách trò chuyện theo đúng chủ đề, sở thích của đối tượng, sao cho họ tìm được sự đồng cảm nơi bạn và cảm thấy bạn thật thân thiện, dễ gần và khéo léo. Việc này không khó để thực hiện. Chẳng hạn như trong một buổi tiệc, một người cùng bàn bất chợt hỏi về nghề nghiệp của bạn. Nếu bạn là người khéo léo, thay vì trả lời ngắn gọn rồi im lặng, hãy mở lời để hỏi han thêm nữa, chẳng hạn như lắng nghe người khác nói, bày tỏ ý kiến của mình, từ chủ đề này thì triển khai thêm chủ đề khác nữa… Hãy cố gắng mở rộng cuộc đối thoại để người khác thấy mến bạn. Thi thoảng bạn có thể nói những điều bạn không nghĩ thế, nhưng điều đó hợp với suy nghĩ của họ, cũng là một cách hay.
Tuy nhiên, không nên lạm dụng nhiều
· Bạn chỉ nên “nói dối tích cực” trong quá trình xã giao hoặc thiết lập các mối quan hệ trong công việc. Nói dối quá nhiều — dù nhằm mục đích tốt hay xấu — cũng dần khiến bạn đi chệch mục đích ban đầu.
· Người thân sẽ không tin tưởng bạn nữa khi bạn chỉ biết khen ngợi kiểu “công nghiệp” chứ không phải là những lời nhận xét thật lòng. Với người thân, họ cần những lời nói thẳng, phê bình càng tốt, chứ không phải những lời ngợi khen qua loa.
· Trong tình cảm, khen nhiều quá sẽ trở nên sáo rỗng và khiến người yêu không trân trọng. Bạn hãy lưu ý rằng, những ai đang yêu thường rất nhạy cảm với sự lừa dối. Cho dù điều đó mang ý nghĩa tích cực đi nữa, nhưng nếu họ biết bạn đang dối họ, họ cũng buồn lòng vì bạn.