Phòng Chán, Chữa Chán

12:44PM 10/12/2010, Khác

Trong nhà thờ, sau khi cha xứ tiến hành nghi thức hôn nhân, cô dâu và chú rể đồng ý ở bên nhau bằng cách đọc lời thề “…hứa giữ lòng chung thủy khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe...”

"...để yêu thương và tôn trọng em mỗi ngày suốt đời anh."

Tôi nghĩ nên thêm hai trường hợp có thể xảy ra nữa – khi mê, khi chán.

Trong cuộc hôn nhân (hay bất cứ “cuộc” nào khác trong đó có hai người yêu nhau) tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất dẫn đến hạnh phúc lâu dài là sở thích chung. Cụ thể, đó là những việc hai người đều thích làm và có thể làm cùng nhau… như xem bóng đá chẳng hạn, hoặc nuôi chó.

Bởi chắc chắn sẽ có lúc hai người cảm thấy chán nhau. Chán kiểu tóc. Chán kiểu hôn. Chán kiểu hôn tóc – “anh ơi đừng hôn tóc em nữa, em thấy cứ kỳ kỳ kiểu gì!” Những giai đoạn chán nản đó tôi gọi là “bão chán”. Bạn có tình yêu mới ư? Tôi chúc mừng bạn. Nghe tôi nói này, khi bão chán đến bạn sẽ chán người đó, nhưng nếu bạn chọn đúng người thì bạn sẽ luôn thích thú với những gì người đó…thích thú.

Ví dụ, cả hai bạn đều thích chơi gôn. Sau một năm yêu nhau, bão chán số 1 đến, hai người bắt đầu chán nhau ghê, chán nhau gớm. Bão chán kéo dài hơn hai tháng, nhưng suốt thời gian đó hai bạn vẫn gặp nhau, vẫn chơi gôn cùng nhau, vẫn chia sẻ niềm vui đó. Có khi “môi hôn môi” cảm giác bình thường nhưng gậy hôn bóng cảm giác vẫn sung sướng như ngày đầu.

Rồi khi bão chán số 1 đã qua, hai người vẫn ở bên cạnh nhau để đón nhận một tình yêu trưởng thành hơn.

Vị trí “vẫn ở bên nhau” đó tôi thấy rất quan trọng. Ngay sau khi bão chán đi qua, trong tay bạn sẽ xuất hiện một hạt giống, trong tay người đó một cục đất. Bạn phải cho hạt vào đất ngay mới có được tình yêu trưởng thành – mới có hoa. Chứ nếu lúc bão chán đến là bạn chạy về một phía, người đó về phía khác, thì lúc gặp lại nhau hạt đã hỏng, đất đã khô.

Cho nên phải có một “phép màu” nào đó giữ hai người bên nhau trong lúc trời mưa to nhất. Một cái ô kỳ điệu. Đó chính là sở thích chung.

Ngày ấy và bây giờ

Ngày xưa tỷ lệ ly hôn ít, các cặp vợ chồng (có vẻ) sống hạnh phúc hơn. Ngày xưa hai người lấy nhau đều có sẵn một sở thích chung là…ăn cơm. Nếu ly dị chồng, người vợ sẽ đói (sống thiếu chồng không có tiền đi chợ). Nếu ly dị vợ, người chồng sẽ đói (sống thiếu vợ không có người đi nấu). Thêm vào đó, ngày xưa người vợ lẫn người chồng đều có sở thích chung là làm bố mẹ hài lòng bằng mọi cách. Những “sở thích” đó đã giúp các cặp vợ chồng xưa ở lại bên nhau trong lúc các bão chán đi qua. Kết quả là xong mỗi trận mưa các cụ lại thấy cầu vồng.

Đương nhiên ai cũng có sở thích ăn cơm. Tuy nhiên ngày xưa đó là sở thích chung dẫn đến công việc chung, là thời gian bên cạnh nhau trong đó hai người cùng thực hiện những việc muốn thực hiên.

Sự phát triển kinh tế đã làm khác đi mọi thứ. Bây giờ một người phụ nữ giỏi có thể độc thân cả đời vẫn kiếm được đủ tiền đi chợ, thậm chí mua cả chợ. Một người đàn ông đã ly dị với vợ có thể ăn ở nhà hàng – biết đâu lại ngon hơn cơm nhà. Pháp lệnh gia đình cũng không mạnh như ngày xưa. Bố mẹ có thể phản đối dữ dội nhưng nếu hai vợ chồng thực sự muốn ly dị chắc ông luật sư phải chuẩn bị cà-vạt.

Ý tôi là ngày xưa các cặp vợ chồng có nhiều sở thích chung thuộc loại “automatic”: những công việc cụ thể cả hai người dù tính cách là thế nào cũng sẽ muốn cùng nhau thực hiện.

Ngày xưa kể cả hai người tính cách rất khác nhau sẽ có duy nhất một con đường để đi: trồng lúa, sinh con, ăn Tết, làm lại. Họ có thể tiến lên hoặc lùi lại. Tất nhiên cả hai sẽ thích tiến lên hơn – thế là một sở thích chung đáng kể! Bây giờ thì khác hẳn. Kể cả hai người tính cách rất giống nhau vẫn sẽ có rất nhiều con đường để lựa chọn. Họ có thể tiến lên, lùi lại, rẽ phải, rẽ trái, hay đứng yên vẫy tay như nữ hoàng Elizabeth. Ngày xưa là thời nhận đường. Bây giờ là thời tạo đường.

Sở thích chung bây giờ thuộc loại “manual” (tùy chọn) hơn. Chơi gôn. Xem phim hành động. Đi du lịch bụi. Những sở thích chung “automatic” do môi trường đặt ra không còn nhiều – không phải cứ lấy một người là sẽ có duy nhất một con đường để đi và hai lựa chọn đơn giản: tiến lên hoặc lùi lại.

Có khi nói vậy là triết học quá. Điều nên nhớ là bây giờ việc tìm hiểu “ứng cử viên bạn đời” trở nên rất quan trọng – quan trọng hơn ngày xưa nhiều! Muốn hạnh phúc lâu dài là phải chọn rất kỹ. Người có sở thích chơi gôn ít hơn người sở thích ăn cơm.

Chọn thế nào

Theo tôi, bạn nên chọn một người có nhiều sở thích giống bạn theo định nghĩa tôi kể trên: những việc cụ thể hai người đều thích làm và có thể làm cùng nhau. Nếu không có cái đó thì bạn nên thôi ngay từ đầu. Bởi khi bão chán đến – và chắc chắn bão chán sẽ đến – hai người sẽ bị cuốn theo hai cơn gió khác nhau.

Quay lại với lời thề của đám cưới phương Tây. Tôi viết rằng tôi muốn thêm hai trường hợp có thể xảy ra nữa: “khi mê, khi chán”. Tôi đã không viết “khi yêu, khi chán”. Bởi vì tôi nghĩ tình yêu và sự nhàm chán không riêng biệt nhau. Gian nan là hết thịnh vượng. Ốm đau là hết mạnh khỏe. Nhưng chán không phải là hết yêu. Ngược lại, một người hoàn toàn có thể vừa yêu vừa chán một người. Tôi tin vậy. Nói cách khác, sự nhàm chán có thể được xem là một phần tất yếu của tình yêu – tình yêu mà không có sự nhàm chán giống như rượu whiskey mà không có hương vị gỗ.

Vì vậy, chúng ta không nên sợ cái chán. Nó sẽ đến và nó sẽ đi. Lúc cái đam mê ra đi là cái chán chen vào và ngược lại, không khác gì cái nghèo và cái giàu. Trong quá trình đó, rượu sẽ trở nên ngon hơn.

Tôi xin dừng lại việc so sánh với rượu whiskey, so sánh hạt giống, so sánh cầu vồng và so sánh cái ô kỳ diệu để đến với một so sánh ngắn gọn hơn. Tình yêu như là tổ chim. Niềm đam mê là chú chim. Sở thích chung là nước bọt con chim. Sự nhàm chán là trận mưa. Khi trời mưa chú chim sẽ bay xa bắt con giun. Nếu tổ chim xây tốt, tức chú chim dùng nhiều nước bọt làm chất dính, thì lúc chú chim bay về tổ vẫn còn. Chú chim sẽ đậu xuống ăn mấy con giun vừa bắt để nước bọt càng thêm hiệu quả.

Tuy nhiên nếu xây không được tốt, nước bọt ít quá, tổ chim là sẽ bị phá mất, chú chim bay về không thấy chỗ đậu xuống sẽ bay tiếp.

Trong so sánh mới này yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất dính. Là nước bọt. Là sở thích chung. Tất nhiên cặp đôi yêu nhau nào cũng phải có “duyên”, hoặc điều tiếng Anh gọi là “chemistry” – là “tính phản ứng” khó giải thích nhưng dễ cảm nhận, khiến hai người đến với nhau lúc đầu. Nhưng điều đó thuộc họ mê, gia đình phê.

Sở thích chung luôn là chính và có thể được thể hiện bằng nhiều cách. Có những cặp đôi rất thích cãi nhau. Với họ, cảm giác bị điên (hoặc làm người ta bị điên) là sở thích chung. Họ cãi nhau suốt bao nhiêu năm trời khiến bà hàng xóm tự hỏi vì sao họ chưa giết nhau. Nhưng điều bà hàng xóm chưa biết là mỗi lần xa nhau hơn một tuần là cả hai đều thấy buồn vô cùng.

Tôi có sở thích đơn giản hơn. Tôi thích đi bộ. Đó là một việc rất cụ thể, có thể làm cùng người khác, có thể làm thường xuyên. Tôi có thể chán người yêu, nhưng nếu bạn ấy đề nghị đi bộ ra bãi biển tôi sẽ vui vẻ nhận lời – bởi đơn giản tôi thích đi. Mà đôi khi xảy ra một chuyện rất lạ: lúc đi tôi cảm thấy chán người đó nhưng lúc về tôi lại cảm thấy…thích thích.

Nhìn lại các các lần “thử yêu” của mình tôi nhận một điều. Tôi đã yêu một số người nhưng tôi chưa bao giờ yêu một người hôm nào cũng thích đi bộ. Tôi đã yêu người đanh đá, người hiền lành, người xinh xắn, người xấu xí, và có “chemistry” với họ hết – nhưng tôi chưa bao giờ yêu một người hôm nào cũng thích theo tôi đặt chân trái trước chân phải và làm lại.

Chính vì thế tôi vẫn đang tìm.


Theo dân trí