Bắt Mạch Những Thói Quen Dễ Khiến Bạn Rỗng Ví
07:47AM 15/04/2012, Khác
Đôi khi những điều tưởng chừng như là “ý kiến hay” – hoặc những thói quen nho nhỏ vô hại – lại có thể khiến bạn thường xuyên rơi vào tình trạng rỗng túi, thậm chí là vay mượn tứ tung.
Mượn đồ
Bạn có thường mượn quần áo, giày dép, đồ dùng học tập của anh chị mình, hay thậm chí là bạn bè mình không? Nếu có vẻ như lúc nào bạn cũng đang vay mượn ai đó, theo một cách nào đó – và thường xuyên không trả đúng hạn – thì bạn có thể sẽ bị “nghiện vay mượn”, tức là coi việc mượn đồ, sau đó là vay tiền, là rất bình thường.
Tốt nhất, bạn nên tìm cách tự mình sống vui vẻ với những gì mình có và ngừng dựa dẫm vào người khác, bởi mẫu hình suy nghĩ của một người vay mượn có thể khiến sau này bạn rơi vào một vòng luẩn quẩn tồi tệ đấy!
Mua sắm bốc đồng
Bạn là khách hàng quen của các trang rao vặt, đấu giá, của các web mua chung? Bạn không thể cưỡng lại được những cái phiếu giảm giá cắt ra từ trên báo hoặc những bảng quảng cáo “sale off” ngoài phố?
Hơi nguy nguy rồi đấy! Vì thói quen mua sắm bốc đồng, mua sắm không cần thiết có thể châm ngòi cho chứng nghiện mua sắm và nghiện vay nợ. Chẳng còn cách nào khác, tự bạn sẽ phải chiến đấu để dẹp yên những nhu cầu bốc đồng “mua - mua nữa - mua mãi” đó thôi!
Tiêu tiền theo tâm lý
Thỉnh thoảng, sau khi vượt qua một bài kiểm tra khó và đã để dành tiền suốt một quãng thời gian dài, bạn tự thưởng cho mình một món đồ mà bạn thực sự thích – đây là điều tốt.
Bạn thường xuyên coi việc mua sắm là một giải pháp “trị liệu tâm lý”, vui quá cũng tiêu tiền, mà buồn thì cũng tiêu tiền cho… vui – đây là điều hoàn toàn không tốt.
Tâm lý tuổi teen lúc lên lúc xuống, nếu bạn buồn buồn mà đi mua sắm, dù chỉ là cuốn sổ hay cái kẹp tóc, thì không rỗng túi mới là lạ. Tốt nhất là bạn tránh đi shopping khi đang có nhiều cảm xúc nhé (dù rất vui hay rất buồn hay rất giận…), nếu không, ví hết sạch tiền mà phải đi vay thì còn khiến cho bạn đau đầu hơn nhiều.
Hoàn toàn dựa dẫm vào bố mẹ
Sự dựa dẫm ở đây tức là muốn mua bất kỳ thứ gì đều đòi bố mẹ ngay lập tức mà không nghĩ đến việc tự mình để dành tiền (dù đó cũng là tiền bố mẹ cho tiêu vặt chẳng hạn, hoặc tốt hơn nữa là tiền bạn tự làm thêm được).
Thói quen ỷ lại, đặc biệt nếu được bố mẹ nuông chiều, sẽ khiến cho bạn hoàn toàn không biết lập kế hoạch chi tiêu cá nhân hay tiết kiệm, rồi thậm chí sẽ mua cả những thứ mà về chẳng dùng đến. Bạn sẽ lớn lên với hành trang tài chính bằng zero và sau này rất dễ vung tay quá trán, dễ dàng vay tiền người khác (vì đã quen hỏi tiền bố mẹ rồi).
Giải pháp ở đây rất đơn giản: Cho dù bạn chưa có việc làm thêm để kiếm ra tiền, thì cũng nên tự để dành tiền bố mẹ cho tiêu vặt để khi cần thì tự mình mua những thứ lặt vặt cần thiết như cái túi xách, đôi giày…
Chạy theo bạn bè
Nếu bạn liên tục so sánh mình với người khác và cố “vượt mặt” bạn bè với các món đồ vật chất, thì bạn cũng đang khởi đầu tiến trình mua sắm vô độ và vay nợ đấy. Chạy theo và cố vượt qua người khác bằng cách mua nhiều đồ hơn, đồ đắt tiền hơn… có thể là một môn thể thao đầy tính cạnh tranh – và rất tốn kém.