Cái Giá Của Vài Giây

19:18PM 09/02/2012, Khác

Đến bệnh viện Chợ Rẫy (Q.5, TP.HCM) vào một buổi chiều ngày đầu tuần, chúng tớ thấy những gương mặt thất thần, ...

...mệt mỏi bên ngoài phòng cấp cứu vì lo lắng cho người thân đang nằm đau đớn trong phòng bệnh. Còn trong phòng cấp cứu, nhiều teen cảm thấy mình như được “sinh ra lần nữa”, sau khi đã gần kề cái chết chỉ vì tai nạn giao thông.

Chỉ vì vài giây

“Đau quá mẹ ơi”, “Mẹ ơi cứu con”…, những âm thanh thất thanh, khản đục vang lên khi một băng ca đẩy bệnh nhân đi ngang. Bà cụ Nguyễn Thị Thơm từ Đắc Lắc xuống gần 1 tuần nay chăm cháu trong bệnh viện tâm sự: “Rên la được vậy là… đáng mừng. Chỉ sợ lịm đi, cứu không kịp”.

Trong phòng cấp cứu là bạn Hồ Hữu Dũng (18 tuổi, Bình Dương). Dũng kể, bạn thường có thói quen… vượt đèn vàng. “Vì vượt đèn vàng không phạm luật, không phải dừng lại chờ đợi khi đèn chuyển đỏ nên mình rất có… hứng vượt”. Cách đây một tháng, khi đang vội vượt đèn vàng đi sinh nhật bạn thì một chiếc xe phân khối lớn chạy đâm sầm vào Dũng khiến bạn ngã đập đầu vào con lươn. Mũ bảo hiểm “dởm” văng ra khỏi đầu, Dũng chỉ thấy choáng váng rồi lịm đi không còn biết gì nữa.

“Chỉ vì vài giây ráng chạy nhanh mà hơn một tháng nay mình lúc tỉnh lúc mê vòng quanh các bệnh viện. Chấn thương sọ não, nặng tới mức phải cấy ghép não, chân phải đóng đinh cả năm sau mới mổ lấy ra được. kể ra vẫn còn may là giữ được mạng. Cả nhà mình có lúc đã bi quan nghĩ mình không qua khỏi khi ngất lịm đi nhiều ngày” — Dũng kể.

Nỗi lo ngai ngái

Ngồi cạnh chúng tớ là cụ bà Trần Thị Sáng (Q.2), bà chỉ còn 3 cái răng đang móm mém ăn cơm hộp. Tớ được biết, bà phải lặn lội từ Bến Tre lên chăm cháu nội là bạn Huỳnh Thị Khánh Ngọc (lớp 11A1, trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2) vừa bị tai nạn cách đây 4 ngày. Vừa tâm sự với chúng tớ, bà vừa tỏ vẻ ấm ức: “Hôm đó khoảng 9 giờ tối, nó xin gia đình đạp xe ra nhà sách mua đồ thì bị một thanh niên chạy xe máy lạng lách tông phải rồi bỏ chạy luôn. Ngọc bị ngã đập đầu xuống đường nhưng vẫn cố gắng gọi người dân gần đó thông báo về gia đình trước khi nó bất tỉnh. Tôi tức lắm vì nó đã chạy xe cẩn thận, đúng đường đúng luật mà còn bị như thế. Trong khi kẻ chạy ẩu thì cứ nhởn nhơ bỏ trốn sau tai nạn”. Khánh Ngọc điều trị ở khoa chấn thương sọ não. Trên gương mặt đầy những vết thương, Ngọc cho biết dù rất đau nhưng buồn nhất là thấy mẹ và bà nội phải chầu chực ở bệnh viện để chăm lo cho mình. “Nhà mình nghèo lắm, mẹ mình bây giờ lại phải nghỉ bán hàng cơm để vào đây chăm sóc mình, tiền chữa trị thì nhiều. Kẻ đụng mình rồi bỏ chạy đâu biết hắn đã gây ra cảnh này cho gia đình mình. Tuần sau là mình thi học kì nhưng với tình trạng này thì chưa biết phải tính sao nữa. Buồn và đau lắm…”.

Cạnh giường bệnh của Ngọc, tớ thấy một bạn nữ khá trẻ cũng đang ôm đầu đau đớn. Hỏi mẹ bạn ấy thì tớ được biết bạn là Nguyễn Thị Mỹ Linh (lớp 10 trường THPT Trần Phú, Đồng Nai). Hôm ấy tan học, Linh nhờ một anh bạn chở về nhà. Khi đi trên đoạn đường hẹp cấm xe tải thì không hiểu sao hai bạn vẫn thấy một chiếc xe tải nặng lù lù chạy đến. Anh bạn này cố lách xe để tránh va chạm thì cả xe và người đều ngã lăn ra đường, chiếc xe tải thì thản nhiên đi mất. Linh được ba mẹ chuyển lên bệnh viện thành phố để điều trị vì tình trạng nguy kịch của bạn khi “nửa tỉnh, nửa mê” và có dấu hiệu của các thương tổn thứ phát như chảy máu, phù não… Linh vẫn còn bị sốc nên chưa nói chuyện được nhiều, mẹ của bạn thì đau lòng nói: “Bây giờ ra đường, chạy xe kiểu gì cũng bị tai nạn, không biết đâu mà đề phòng. Gia đình chỉ mong cháu mau khỏe để đi học trở lại.”

Buổi chiều muộn, ngồi ở khuôn viên bệnh viện với cánh tay bó bột, bạn Nguyễn Trung Quân (THPT Dĩ An, Bình Dương), cứ năm phút lại thở dài hối tiếc: “Phải chi mình cẩn thận hơn”. Quân kể, mình bị tai nạn sau một lần tăng tốc, lấn tuyến, không làm chủ tay lái bị tai nạn giao thông. Lời khuyên “Chậm một chút nhưng giữ được tính mạng”, Quân đã nghe rồi nhưng bỏ ngoài tai giờ gặp chuyện mới thấy thấm thía. Quân muốn bằng cách nào đó, những câu chuyện, hình ảnh thương tâm về người bị tai nạn giao thông (vốn dĩ rất nhiều) xuất hiện nhiều hơn nữa trong trường học, những nơi công cộng để teen mình biết sợ, biết lo xa, phòng tránh và không còn phải nói “giá như”.


Theo MTO