Vẫn Tự Do Khi Bị "Ràng Buộc"
09:53AM 28/05/2012, Khác
Dù đã có người yêu, nhưng nếu biết cách, bạn vẫn cảm thấy thoải mái như thời còn “độc thân”.
Không ai có được sự tự do hoàn toàn. Vấn đề ở đây là phải biết cách “tự do” sao cho quyền tự do của bạn không làm ảnh hưởng đến sự tự do của người khác. Chẳng hạn như bạn có quyền “không nghe giảng” nhưng đừng làm ảnh hưởng đến thầy cô và bạn bè, bạn có quyền công dân nhưng không được làm điều gì trái với pháp luật, bạn được tự do đi chơi cả ngày nhưng phải về trước 9h để ba mẹ không phải đợi cửa… Trong tình yêu cũng vậy. Bạn có quyền tự do nhưng không nên làm ảnh hưởng tới người yêu của mình.
“Bí quyết” dành cho bạn là:
Nói thật là điều tốt, nhưng đừng áp dụng giống…trẻ con
Trẻ con thường ít khi nói dối, chúng chỉ nói điều mà chúng nghĩ, hoặc biết nhận lỗi về phần mình khi mắc sai lầm. Khi yêu, bạn muốn người ấy tin tưởng mình tuyệt đối nên thường hay áp dụng chiêu “nói thật để được tin tưởng”. Bạn đi đâu, làm gì, với ai, bạn cũng khai báo tất tần tật với người ấy, thậm chí dù người ta không hề biết gì, bạn vẫn…xin lỗi nếu lỡ mắc phải sai lầm. Điều đó chứng tỏ bạn yêu người ta thật lòng, nhưng có nhất thiết như thế không, khi bạn tự trói bản thân lại để rồi về sau hối hận vì đã lỡ…tập cho người ấy thói quen kiểm soát.
Minh Vy (lớp 12 trường THPT NK) kể: “Mình đi chơi với nhỏ bạn, đi học nhóm, đi siêu thị, mình cũng tự nói cho hắn biết để hắn thấy vui vì mình thật lòng. Về sau, khi yêu nhau đã lâu, mình cảm thấy điều đó hơi…dư thừa, nên mình hạn chế lại. Hắn bắt đầu…hoạnh họe: “Tại sao lại như vậy, tình cảm của cậu…hết rồi phải không?”. Tiếp đó, hắn kiểm soát mình, hay ghen vô cớ, mà mình bắt đầu cảm thấy bị ràng buộc thật sự. Lúc đó còn non kinh nghiệm nên thay vì cố gắng khiến hắn tin tưởng, mình lại vùng vẫy thoát ra. Bây giờ, cả hai là bạn tốt”.
Muốn được tự do, trước hết hãy “trả tự do” cho người khác
Bạn muốn đi chơi thoải mái với bạn bè nhưng không thích người yêu đi ăn kem với hội bạn cũ. Bạn muốn gặp mặt người yêu cũ chỉ để hỏi han nhau như bạn bè, vậy mà khi thấy người yêu nhắc đến “ex”, bạn đã nổi giận đùng đùng. Bạn muốn người ta không đọc tin nhắn của mình, nhưng khi người ta có tin nhắn đến, bạn đều giành giật để xem… Tất cả những điều đó đều sai lầm. Hãy suy nghĩ thoáng hơn một chút. Tình yêu xuất phát từ lòng tin dành cho nhau sẽ tích cực và “dễ thở” hơn. Nếu yêu là tước đoạt sự tự do của người ấy, thì liệu có quá ích kỉ?
“Mình và cô ấy dù yêu nhau nhưng thi thoảng vẫn đi chơi với bạn bè riêng của nhau, không cần khai báo hay vặn hỏi gì. Mình nghĩ, nếu biết tin tưởng thì tình cảm sẽ bền vững hơn. Khi người ta đã yêu mình thật lòng thì mình không cần ràng buộc, người ta cũng tự ý thức được. Còn khi người ta đã khó chịu vì mất tự do, thì mình có níu giữ người ta cũng vùng vẫy chạy mà thôi” - Minh Nhật (sinh viên năm 1 trường ĐH Kiến Trúc) chia sẻ.
Những “quy tắc” ngầm
* Nếu bạn có được một người yêu tâm lí, tạo cho bạn sự thoải mái, hãy trân trọng điều đó và đừng đi quá giới hạn, dù chỉ bằng lời nói. Bạn được thoải mái tự do, không có nghĩa là bạn có quyền chọc ghẹo bạn khác giới trên facebook hoặc để avatar của người khác giới khiến “một nửa” hiểu lầm. Có tự do, nhưng phải là “tự do trong khuôn khổ”.
* Dù tự do đến đâu thì bạn vẫn phải thể hiện tình yêu với người ấy, cho người ấy biết rằng người ấy đặc biệt và quan trọng hơn bất kì ai. Bạn có thể đi chơi với bạn bè, nhưng phải dành thời gian cho “một nửa” vào cuối tuần, hoặc tối đến gọi điện hỏi han, quan tâm, chúc nhau ngủ ngon.
* Ai cũng có những điều bí mật. Nếu là một người yêu vị tha và có trái tim nhân hậu, nên học cách phớt lờ và tha thứ. Không phải điều gì bạn cũng cần can thiệp. Đôi khi sự tự do có thể “lạc lối” nhưng nó sẽ biết cách tìm đường về theo đúng quy củ, nếu bạn là một người dẫn đường tài ba.
“Tự do trong tình yêu” không giống với bất kì sự tự do nào khác. Vì vậy, bạn cần khéo léo và phối hợp với người ấy, để cả hai luôn có sự ăn ý và thấu hiểu cho nhau.