Chữ "Tín" Còn, Còn Tất Cả!
23:31PM 05/01/2011, Kinh doanh
Đây là bài nói chuyện của tôi với các bạn sinh viên ở một trường đại học cách đây vài tháng. Bài nói chuyện được các bạn sinh viên đón nhận khá tích cực. Theo lời gợi ý của của một số anh chị, tôi đăng lại lên đây, hy vọng nó giúp gì đó được cho mọi người. Trong bài đăng này tôi có biên tập lại đôi chút, bỏ đi những đoạn chào hỏi, giao lưu với người nghe để nội dung được tập trung hơn, tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên các phần dẫn dắt, mở chủ đề và đóng chủ đề.
Được mời đến đây để chia sẻ với các bạn, tôi không xem mình như một diễn giả, mà chỉ là một người anh, một người đi trước, có được một số kinh nghiệm, vì vậy khi suy nghĩ về chủ đề gì sẽ nói với các bạn, tôi đã cân nhắc rất nhiều, xem mình nên chia sẻ với các bạn điều gì? Điều gì là quan trọng nhất trong hành trang kinh doanh khi chúng ta bước vào đời.
Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định sẽ nói về một chủ đề mà tôi cho là rất quan trọng: đó là chữ “Tín”. Tôi sẽ kể lại cho các bạn 2 câu chuyện có thật từng xảy ra với tôi về chữ tín mà tôi đã rút tỉa được trong những năm đi làm của mình.
Giá trị của chữ “Tín”
Ngoài công việc chính ở công ty, tôi còn có một cái xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Xưởng tôi không làm quá nhiều mặt hàng mà chỉ chuyên sản xuất một số mặt hàng khá đặc thù. Đối tượng tiêu thụ chủ yếu là các khách sạn ở Singapore và gần đây mở rộng sang Malaysia.
Vì chỉ chọn sản xuất những mặt hàng khá đặc đặc thù trong phân khúc hẹp nên thời gian đầu, sản phẩm của chúng tôi gần như không có đối thủ cạnh tranh trên những thị trường mục tiêu đó. Tuy nhiên cũng như tất cả mọi công việc kinh doanh khác, buổi đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để xâm nhập thị trường.
Có một dạo, một khách sạn ở Singapore (ở đây tôi không tiện nêu tên nên gọi là khách sạn A) đặt hàng chúng tôi 1000 sản phẩm để chuẩn bị cho mùa du lịch sắp đến, đây là một đơn hàng thuộc dạng lớn vào thời điểm đó với quy mô của xưởng. Với đơn hàng này thì cả xưởng phải tập trung gần như tất cả nhân công để làm ráo riết trong vòng hơn 1 tháng mới kịp tiến độ.
Mọi việc đang bình thường theo đúng kế hoạch thì bỗng một buổi sáng tôi nhận được liên lạc từ một khách sạn khác (ở đây tôi gọi là khách sạn B). Họ báo cần đặt gấp một đơn hàng tương tự. Sau khi cân nhắc năng lực sản xuất của xưởng, tôi trả lời họ rằng hiện tại do đang thực hiện một hợp đồng khác nên không thể sản xuất kịp theo yêu cầu của họ và từ chối.
Tuy nhiên, khách sạn B vẫn tiếp tục quay lại và đề xuất tăng giá nhằm thuyết phục tôi nhận đơn hàng vì bên họ đang có một số hoạt động rất gấp. Tuy họ không nói trực tiếp nhưng sự tăng giá này ngầm thuyết phục tôi rằng hãy hủy đơn hàng với đối tác hiện tại, chấp nhận các mức phạt và chuyển sang sản xuất cho họ.
Điều đáng nói ở đây là giá trị chênh lệch (nếu tôi chấp nhận theo như đề xuất của khách sạn B), tính tổng giá trị sau khi trừ mọi chi phí cộng các mức mức phạt trong hợp đồng… thì tôi vẫn được lợi hơn 30 ngàn usd, một số tiền không hề nhỏ vào thời điểm đó của xưởng. Chính điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều.
Nếu là trước đây, khi chưa ý thức được về chữ tín, có lẽ tôi sẽ đồng ý vì khoảng chênh lệch khá lớn, bên cạnh đó theo thỏa thuận trong hợp đồng, chúng tôi chỉ phải chịu các mức phạt, mà không lo những trách nhiệm pháp lý nào khác. Tuy nhiên sau khi cân nhắc tới lui, tôi quyết định vẫn từ chối. Vì đến thời điểm đó, tôi đã bắt đầu ý thức được chữ tín là điều quan trọng trong kinh doanh.
Tôi tiếp tục sản xuất đơn hàng cho đối tác A và giao hàng đúng hẹn, mọi việc diễn ra bình thường theo kế hoạch. Tất nhiên là mỗi khi nghĩ về số tiền 30 ngàn usd tôi cũng thấy tiếc, nhưng thôi cho qua.
Một thời gian sau, vì một lý do nào đó, khách sạn A biết được việc này. Họ gọi cảm ơn và bày tỏ sự cảm kích rất nhiều. Tôi cũng lịch sự trả lời họ rằng đừng bận tâm, đã làm ăn thì phải giữ chữ tín (dù trong bụng thì vẫn đang tiếc lắm).
Tưởng vậy là xong, thôi thì dù sao uy tín của mình cũng được nâng cao hơn trong mắt đối tác. Biết đâu sau này họ lại tiếp tục đặt hàng.
…
Ở Singapore có một tổ chức dạng như hiệp hội khách sạn, số lượng thành viên của hiệp hội này rất đông. Thỉnh thoảng họ tổ chức các hội nghị để trao đổi, cập nhật với nhau các thông tin trong ngành. Và trong một dịp như vậy, chính vị chủ của khách sạn A đã lên chia sẻ về câu chuyện trên với tất cả các thành viên khác trong hiệp hội.
Và không nói thì cũng biết rằng sau đó thì tên tuổi của chúng tôi vô tình được quảng bá theo một chiều hướng rất tích cực đến ngay đúng đối tượng cần quảng bá, theo một cách không gì có thể tốt hơn. Các đối tác bắt đầu liên hệ và đơn hàng liên tiếp đến với chúng tôi, tôi mở rộng quy mô của xưởng để đáp ứng nhu cầu và có thể gọi đây là một trong những bước ngoặt phát triển của xưởng. Sau đó, có thể rằng nói riêng về mặt hàng đó, tuy chỉ là một sản phẩm đặc thù với số lượng không nhiều nhưng gần như chúng tôi đã chiếm hầu hết thị phần khách hàng ở Singapore.
Một điều thú vị là tôi biết được câu chuyện này từ chính khách sạn B, trong một lần qua Việt Nam đặt hàng với tôi, họ đã kể cho tôi nghe về việc làm của khách sạn A.
Nhìn lại, tôi mất 30 ngàn, nhưng tôi giữ được chữ “Tín”. Tôi không mất khách hàng A và sau đó tôi có luôn cả khách hàng B, bên cạnh đó tôi có thêm rất nhiều khách hàng khác. Lợi nhuận sau cùng tính ra: nhiều hơn con số 30 ngàn. Và trên hết, uy tín của chúng tôi tăng cao trong mắt các đối tác, người này truyền cho người kia và đó là một trong những nền tảng để xưởng của tôi, một xưởng gia công rất nhỏ không tên tuổi, xây dựng được mối quan hệ với một thị trường tiềm năng.
Câu chuyện trên xảy ra cách đây khoảng 2 năm. Và đó là một trong những kinh nghiệm quý mà tôi luôn luôn mang theo. Để đến hôm nay, nếu xảy ra lại tình huống tương tự, tôi sẽ không còn phải băn khoăn suy nghĩ như trước nữa. Uy tín là thứ không thể mua được bằng tiền, mất uy tín thì sẽ mất tất cả.
Chữ “Tín” còn, còn tất cả!
Người Hoa, những người mà không ai có thể phủ nhận về khả năng kinh doanh của họ, họ buôn bán và thành công khắp thế giới. Ở Việt Nam đã từng có thời gian mà gần như toàn bộ nền kinh tế ở miền Nam nằm trong tay của người Hoa, đến hiện tại, người Hoa vẫn là đối tượng làm kinh tế quan trọng ở Sài Gòn.
Tiếp xúc với họ, hiểu phần nào về cách kinh doanh của họ. Tôi biết được rằng họ có những triết lý kinh doanh mà không bao giờ vi phạm. Và một trong những số đó là giữ chữ Tín, họ sẵn sàng chịu thiệt hại nhiều chỉ để giữ lại chữ Tín. Vì với họ, còn chữ Tín là còn tất cả.
…
Tôi có một anh bạn mà tôi rất quý, anh kinh doanh trong ngành bất động sản và từng có thời làm ăn rất thành công, từng là người đầu tiên trong nhóm mua được căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng. Rồi cuộc đời có lúc nổi lúc chìm, công việc kinh doanh của anh đi xuống, càng ngày càng xuống, đến lúc trắng tay anh phải đi lái taxi để kiếm sống.
Bạn bè ai thấy vậy cũng xót xa, nhưng cho anh thì không nhận, những lúc túng thiếu quá thì anh mượn một số tiền nhỏ, rồi trả đúng hẹn. Trong một lần uống cà phê với anh, tôi nói anh có khả năng, sao anh không huy động vay mượn để gầy dựng lại sự nghiệp. Anh nói một câu làm tôi nhớ mãi:
“Anh bây giờ chỉ còn một tài sản duy nhất, đó là uy tín, và anh không thể phí phạm nó. Anh chờ đến một cơ hội thích hợp nhất thì sẽ mang nó ra sử dụng”.
Tôi từng chứng kiến, từng nghe nhiều trường hợp về sự thất bại vì đánh mất chữ Tín. Tôi may mắn học được những bài học về chữ Tín mà không phải trả những cái giá đắt như người khác.
Đến hôm nay tôi nghiệm ra được cho mình rằng đôi khi việc hy sinh chữ Tín có thể mang đến những khoảng lợi nhuận trước mắt, nhưng về lâu về dài, rồi chúng ta sẽ thiệt hại nhiều hơn. Ngược lại, giữ được chữ Tín chúng ta có thể mất đôi chút về kinh tế, nhưng chắc chắn về lâu về dài lợi nhuận chúng ta sẽ thu về nhiều hơn. Và cả trong trường hợp không thu về được thì chúng ta vẫn lợi, vì chữ Tín – như đã nói – cũng là một tài sản.
Các bạn đang ngồi đây đều tràn đầy nhiệt huyết, sau hôm nay các bạn sẽ bước vào một môi trường mới, chông gai hơn nhưng cũng thú vị hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ cần nhiều hành trang để bước đi, rồi chúng ta sẽ có thành công, có thất bại, nhưng dù ở giai đoạn nào, tôi chúc các bạn sẽ luôn giữ được chữ Tín của mình.
Chúc các bạn thành công!