"Quy Ước Ngầm" Của Tình Bạn Thân

11:22AM 06/06/2012, Khác

Tình bạn thân, nếu chỉ có hiểu nhau, chia sẻ mọi điều và quan tâm nhau, thì chưa đủ để tạo nên những giá trị tinh thần bền vững.

Có những “quy ước ngầm” trong tình bạn thân, mà không cần nói ra bạn cũng phải…tự hiểu, điển hình là…

Cắt giảm “kể lể”

Hai bạn thân nhau đến mức sẵn sàng kể cho nhau nghe về việc hôm nay bạn đã đi đâu, làm gì, hẹn hò với người yêu thế nào, gia đình đang vui vẻ ra sao… Tâm sự là cách để hai bạn hiểu nhau nhưng không phải lúc nào cũng cần kể chi tiết sự việc. Bạn có chắc là bạn thân thật sự muốn nghe, hay cậu ấy chỉ ráng tiếp thu để mong bạn đỡ buồn?

Khi có chuyện buồn, chuyện vui, kể cho nhau nghe để cùng chia sẻ là điều nên làm, nhưng đừng kể quá dài và quá nhiều. Điều này dễ khiến đối phương mệt mỏi và sợ phải lắng nghe vào lần sau đấy. Chẳng hạn như bạn có quyền nói rằng bạn đã đi chơi với người yêu vui ra sao, chứ không cần phải miêu tả nét mặt của người yêu, bối cảnh trong phòng và vị của nước ép hoa quả.

Tránh “tôn sùng” người yêu

Tình yêu và tình bạn là hai phạm trù khác biệt, bạn không nên bắt người yêu nghe chuyện của bạn mình, cũng như không nên nhờ bạn giải quyết những rắc rối tình cảm. Khi nào bạn thân hỏi han và quan tâm, hãy bắt đầu chia sẻ. Việc kể quá nhiều về người yêu sẽ gây ra 3 rắc rối. Thứ nhất, bạn thân sẽ cảm thấy không vui khi bạn quá đặt nặng người yêu và đưa cậu ấy “ra rìa”. Thứ hai, bạn thân sẽ rất dễ “phải lòng” người yêu của bạn, khi bạn đã kể quá nhiều ưu điểm. Thứ ba, hai bạn sẽ dễ xích mích khi bất đồng quan điểm trong lúc nhận xét về “kẻ thứ 3” ấy. Bởi vì người yêu của bạn có thể không thuộc “gu” của bạn thân, và ngược lại.

Không miễn cưỡng

Đã thân nhau thì phải vì nhau? Không nhất thiết phải cả nể quá nhiều như thế. Nếu bạn không thấy thoải mái, hãy thẳng thắn bày tỏ thay vì nhẫn nhịn. Sự miễn cưỡng sẽ tạo nên khoảng cách và khiến cho bạn cảm thấy gò bó.

Khi bạn thân rủ đi chơi mà bạn lười, hãy trình bày thẳng lí do là…lười. Có thể hơi mích lòng, nhưng vài ngày sau sẽ vui vẻ trở lại. Sự chân thành nằm ở chỗ biết giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, cùng bên cạnh nhau khi buồn. Còn trong hoàn cảnh bình thường, thi thoảng đùa vui, chọc tức nhau một chút, cũng sẽ tạo được điểm nhấn và sự thú vị trong tình bạn thân.

Khéo léo khi cùng đi chơi với người bạn thứ 3

Cả hai vốn hiểu về nhau rất rõ nên khi đi chơi chung sẽ tự nhiên, thân mật. Nhưng giả sử có xuất hiện một “người thứ 3” nào đó mà 1 trong 2 bạn chưa biết rõ về người này, hãy trò chuyện khéo léo. Rất có thể một người sẽ bắt đầu bơ vơ, lạc lõng trong cuộc hội thoại của hai người kia. Điều bạn cần là phải biết dung hòa buổi trò chuyện, đừng cố thể hiện rằng mình nhiệt tình với người bạn mới hơn, hoặc chỉ thích nói chuyện với bạn thân.

Nên dập tắt sự ích kỉ. Hai bạn thân nhau, không có nghĩa là cả hai không được thân với người khác. Tình bạn chỉ trở nên có giá trị khi nó tạo nên sự gắn kết, thấu hiểu và thật sự thoải mái.

Tạo khoảng không gian “thở”

Thân nhau không có nghĩa là cùng đi chơi, cùng đi học, cùng “bên nhau” vào mỗi cuối tuần, viết về nhau, khen tặng nhau những lời “có cánh”. Cả hai sẽ dễ bị “hiểu lầm” dù cùng giới hay khác giới đi nữa. Tốt nhất là nên tôn trọng sự riêng tư của nhau trong một vài khoảnh khắc, và cả hai nên có thêm nhiều người bạn khác nữa.

Bạn không nên xem bạn thân là chỗ dựa, điều này dễ tạo thành thói quen không tốt. Bạn muốn bạn thân làm cho bạn điều gì thì trước hết hãy làm cho họ tương tự.

o0o

Để nuôi dưỡng một tình bạn thân còn khó hơn là duy trì một mối quan hệ xã giao bình thường, vì vậy, bạn hãy chú ý để tình bạn thân luôn bền vững và hoàn hảo nhé. 


Theo MTO